Đáng báo động: Rừng Amazon đang chết dần, sắp hóa thành xavan khô hạn?
(Dân trí) - Một nghiên cứu mới cảnh báo nếu nạn phá rừng tiếp tục diễn ra, rừng nhiệt đới Amazon có thể đạt đến điểm tới hạn và phần lớn sẽ biến thành xavan khô hạn.
Bằng cách xem xét các hình ảnh vệ tinh được chụp từ năm 1991 đến năm 2016, các nhà nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra một bằng chứng "gây sốc" về tác động của con người tới thiên nhiên, mà cụ thể là thảm rừng nhiệt đới Amazon.
Theo đó, nghiên cứu được công bố ngày 7/3 trên tạp chí Nature Climate Change, cho thấy rằng hơn 75% diện tích rừng nhiệt đới trên Trái Đất đang dần mất đi "khả năng phục hồi" kể từ những năm 2000. Điều này có nghĩa là chúng không thể dễ dàng tái sinh sau khi xảy ra những xáo trộn tự nhiên, chẳng hạn như hạn hán hoặc cháy rừng.
Trước đó, tờ New York Times cũng cảnh báo rằng biến đổi khí hậu, nạn phá rừng và đốt phá rừng tràn lan để làm nông nghiệp đã khiến rừng nhiệt đới Amazon trở nên ấm hơn và khô hơn nhiều so với những thập kỷ trước.
Tờ Guardian cũng cho biết nếu các khu rừng nhiệt đới vượt qua điểm tới hạn này, hệ sinh thái có thể nhanh chóng thay đổi trở thành một xavan rộng lớn, giải phóng hàng chục tỷ tấn carbon dioxide trong quá trình biến đổi.
"Nó (rừng Amazon) đang chết dần. Nó đang giải phóng carbon ra ngoài khí quyển và trở nên khô đi", Scott Denning, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Bang Colorado cho biết.
Theo nghiên cứu, sự mất ổn định lớn nhất của rừng Amazon nằm ở các khu vực gần trang trại, đường xá và khu vực đô thị. Biểu hiện rõ nhất ở các khu vực này là rừng cây đang trở nên khô hơn, cho thấy rằng chúng bị tàn phá và tình trạng ấm lên toàn cầu là nguyên nhân. Các nhà khoa học kết luận rằng những yếu tố này "có thể đã đẩy rừng Amazon đến gần ngưỡng giới hạn của việc chết dần".
Điểm tới hạn trên quy mô hành tinh là một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất của các nhà khoa học khí hậu, vì chúng gần như không thể thay đổi theo thang thời gian của con người. Vào năm 2021, kỹ thuật thống kê tương tự đã tiết lộ các dấu hiệu cảnh báo về sự sụp đổ của dòng hải lưu Gulf Stream (dòng chảy Vịnh) và các dòng chảy quan trọng khác của Đại Tây Dương, với một biên độ thiếu ổn định gần như hoàn toàn so với thế kỷ trước.
Việc các dòng chảy này ngừng hoạt động sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc trên toàn thế giới, làm gián đoạn khả năng gây mưa của gió mùa và gây nguy hiểm cho các tảng băng ở Nam Cực.
Một nghiên cứu khác gần đây cho thấy một phần đáng kể của tảng băng trôi Greenland cũng đang có nguy cơ đến "điểm tới hạn", tiềm ẩn nhiều hậu quả nghiêm trọng được dự đoán như dẫn đến mực nước biển dâng cao khoảng 7 mét.