1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Đàn bò tót đói trơ xương được nghiên cứu và lai tạo như thế nào?

Nguyễn Hùng

(Dân trí) - Dư luận đang nóng lên chuyện 11 con bò tót có nguồn gen quý hiếm được chăm sóc tại Vườn Quốc gia Phước Bình bị suy kiệt do dự án kết thúc. Vậy lai lịch của 11 con bò tót này như thế nào?

Đàn bò tót đói trơ xương được nghiên cứu và lai tạo như thế nào? - 1

Đàn bò tót gầy trơ xương. Ảnh: báo Lâm Đồng.

Trả lời báo Lâm Đồng, ông Nguyễn Như Chương - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng cho biết, đầu năm 2013, Sở Khoa học và Công nghệ ba tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng và Khánh Hoà đã thống nhất mua lại 10 con bò tót lai F1 của người dân và tạo vùng chăn nuôi với môi trường sống của bò tót để thực hiện đề tài nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng phát triển của bò lai F1 trong dòng và giữa bò tót F1 và bò nhà. Sau đó, phía Sở Khoa học và Công nghệ Khánh Hòa rút khỏi dự án.

Tới đầu năm 2014, Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt kiểm nghiệm cho kết quả 10 con bò tót F1 mua từ người dân đều có cặp NST là 2n=58 (bò nhà có cặp NST là 2n=60, bò tót rừng có cặp NST là 2n=56) nên có thể khẳng định chắc chắn bò F1 là “hậu duệ” của bò tót rừng.

Tiếp tục thành công ban đầu trên, cuối năm 2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đồng ý thành lập đề tài cấp nhà nước về “Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng -Khánh Hòa”

Theo tìm hiểu của Dân trí, nhiệm vụ này được Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng thực hiện, PGS.TS Lê Xuân Thám chủ nhiệm nhiệm vụ. Tham gia nhiệm vụ còn có 3 kỹ sư khác của Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng.

Tổng kinh phí thực hiện nhiệm vụ này là 3,2 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ ngân sách sự nghiệp khoa học Trung ương là 2,5 tỷ đồng; kinh phí ngân sách sự nghiệp khoa học địa phương là 700 triệu đồng (Lâm Đồng – 350 triệu đồng; Ninh Thuận 350 triệu đồng). Thời gian thực hiện hợp đồng là 36 tháng bắt đầu từ 10/2015.

Mục tiêu của nhiệm vụ này là đánh giá được ngoại hình, khả năng sinh sản và sản xuất của bò quý hiếm tại vùng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa; Tuyển chọn bò đực giống quý hiếm thế hệ thứ 2 có bộ NST cân bằng (2n=60); tạo được đàn bò thịt có đặc tính ưu thế thích ứng, chống chịu tốt với ngoại cảnh, có năng suất và chất lượng thịt cao.

Đàn bò tót đói trơ xương được nghiên cứu và lai tạo như thế nào? - 2

Đàn bò tót khi chưa kết thúc dự án. (Ảnh báo Lâm Đồng)

Sau hơn 3 năm thực hiện đề tài (gia hạn kéo dài thêm 9 tháng so với quy định), Ngày 27/8/2019, PGS.TS Lê Xuân Thám đã có bản báo cáo kết quả tự đánh giá nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia. Theo bản báo tự đánh giá này thì nhóm nghiên cứu đã có sản phẩm báo cáo chi tiết về đánh giá ngoại hình, khả năng sản xuất (sinh trưởng, sinh sản, chất lượng thịt, chống chịu bệnh tật) của bò quý hiếm vùng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận – Lâm Đồng – Khánh Hòa; Báo cáo khoa học về phân tích karyotype bộ Nhiễm sắc thể của bò lai bò tót thế hệ thứ nhất, bò lai thế hệ thứ 2 và bò lai thế hệ thứ 2 trong dòng, bằng phương pháp IAEA; Báo cáo khoa học về giám định di truyền của bò lai bò tót thế hệ thứ nhất, thứ 2 và bò lai thế hệ thứ 2 trong dòng, bằng kỹ thuật PRC…

Tuy nhiên nhiệm vụ không có sản phẩm khoa học dự kiến ứng dụng, chuyển giao; không có danh mục sản phẩm khoa học đã được ứng dụng.

Trong báo cáo, PGS.TS Thám cho hay, đóng góp mới của nhiệm vụ là lai tạo ra 3 bò quý hiếm thế hệ thứ 2, bằng các giải pháp kỹ thuật: Dùng bò đực Brahman phối giống cho đàn bó cái quý hiếm thế hệ thứ 1; Dùng bò đực quý hiếm thế hệ thứ 1 cho phối giống trực tiếp với đàn bò cái nền Brahman; Dùng bò đực 1 quý hiếm thế hệ thứ 1 cho phối giống trực tiếp với bò cái quý hiếm thế hệ thứ 1.

“Thành công của đề tài sẽ tạo ra giống bò thịt mang tổ hợp lai giữa các giống bò thịt Brahman, bò thịt cao sản với bò tót có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, cung cấp số lượng lớn các sản phẩm chăn nuôi hàng hóa có giá trị cho tiêu dùng và mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi bò.

Nâng cao ý thức công dân trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên trong đó có động vật hoang dã; đặc biệt đối với người dân đang sinh sống và có thu nhập dựa vào phần khai thác tài nguyên rừng”, báo cáo nói về hiệu quả kinh tế của nhiệm vụ.

Về hiệu quả xã hội thì báo cáo này khẳng định nhiệm vụ này đã bảo tồn và duy trì nguyên gen quý hiếm phục vụ cho các nghiên cứu tiếp theo. Giám định di truyền bò quý hiếm thế hệ thứ 2, khẳng định đàn bò quý hiếm thế hệ thứ 2 có bộ NST cân bằng 2n = 60 là những cá thể thực thụ lai giữa bò tót và bò nhà; Có các giải pháp khoa học đúng đắn nhằm bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn gen quý hiếm trong thiên nhiên để ứng dụng vào sản xuất nhằm phát triển kinh thế xã hội.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, đề tài “Khai thác và phát triển nguồn gien bò quý hiếm tại vùng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa” vào tháng 6/2019 có kết quả “Đạt”. Cụ thể, kết quả nghiên cứu quần thể 10 con bò lai F1 (5 đực, 5 cái) phát triển tốt. Về lai trong quần đàn 10 con F1 có giao phối tự nhiên nhưng lai trong dòng rất hạn chế (bất thụ), chưa có trường hợp nào đậu thai giữa giao phối bò đực F1 với bò cái F1.

Về lai ngoài dòng đạt kết quả khả quan. Ghi nhận 1 bò cái lai F1 nuôi trong dân đậu thai do giao phối với bò đực nhà sinh ra 1 bê cái F2 vào năm 2015. Đến tháng 3/2017, F2 này đã phối giống với bò đực nhà sinh tiếp 1 con lai thế hệ F3 là bò đực (có 25% dòng máu bò tót). Về lai lui ngược, cá thể đực lai F1 của đề tài giao phối với bò cái nhà đậu thai và sinh cá thể cái F2 vào cuối 2017. Theo đánh giá, hai cá thể lai F2 trong và ngoài dự án triển khai lai lui cả hai chiều đều cho kết quả.

Đàn bò gầy trơ xương, suy kiệt
Trả lời báo Lâm Đồng, ông Nguyễn Như Chương cho biết: “Khi dự án còn trong thời gian triển khai, chúng tôi có 1 bác sĩ thú y, 1 nhân viên trung cấp chăn nuôi thú y trực 24/24 và 1 người bảo vệ, chăm sóc bò, cắt cỏ. Đàn bò được ăn thức ăn cỏ tươi, được chăn thả trên đồng cỏ thuê của người dân rộng 2 ha. Tới tháng 11/2019 dự án kết thúc, nguồn kinh phí không còn, chúng tôi là đơn vị sự nghiệp được giao tạm thời quản lý đàn bò phải trích 10 triệu đồng/tháng để mua cỏ khô cho bò ăn. Đây là nguồn quỹ tiết kiệm, đơn vị tự cân đối để nuôi 10 con bò tót lai F1, 1 bò lai F2 trước khi đợi cơ quan quản lý cấp trên ra quyết định bàn giao việc chăm sóc, bảo vệ và phát triển nguồn gen bò tót quý hiếm cho phía UBND tỉnh Ninh Thuận”. 
Tuy nhiên, thời gian gần đây, người dân tới thăm trang trại nghiên cứu nguồn gen bò tót tại xã Bắc Ái, Vườn Quốc gia Phước Bình rất bất ngờ khi chứng kiến đàn bò gầy trơ xương, suy kiệt do không được cho ăn đủ chất.
Về việc này, ông Chương nhận trách nhiệm 1 phần thuộc về đơn vị. “Tôi thừa nhận có biết đàn bò bị gầy đi nhiều so với thời điểm còn nghiên cứu dự án. Có nhiều nguyên nhân khách quan nhưng trách nhiệm này trước tiên chúng tôi xin nhận về đơn vị” – ông Chương xác nhận.