Bình Định:

“Đại Lộ Khoa Học” đầu tiên tại Việt Nam

(Dân trí) - Giáo sư Nobel Vật lý 1999 Gerardus ’t Hooft (người Hà Lan) cùng 70 nhà khoa học trên thế giới dự lễ đặt biển tên đường “Đại Lộ Khoa Học” tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Sáng 27/7, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức lễ đặt biển tên đường “Đại Lộ Khoa Học” tại ngã 3, Quốc lộ 1D đường vào Trung tâm ICISE (thuộc phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, Bình Định).

GS. Nobel Vật lý 1999 Gerardus ’t Hooft (ngoài cùng trái) cùng GS. Trần Thanh Vân, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định (ngoài cùng phải) dự lễ khai trương con đường “Đại Lộ Khoa Học” đầu tiên tại Việt Nam.
GS. Nobel Vật lý 1999 Gerardus ’t Hooft (ngoài cùng trái) cùng GS. Trần Thanh Vân, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định (ngoài cùng phải) dự lễ khai trương con đường “Đại Lộ Khoa Học” đầu tiên tại Việt Nam.

Đây được xem là con đường đầu tiên tại Việt Nam mang tên “Đại Lộ Khoa Học” Đánh dấu cho những sự kiện khoa học tầm cỡ quốc tế, thu hút hàng nghìn nhà khoa học trên thế giới, đặc biệt là các nhà đoạt giải Nobel thường về dự tại Trung tâm ICISE.

Nhà Nobel Vật lý - GS. Gerardus ’t Hooft, chia sẻ: “Tôi đã từng tham dự nhiều lễ đặt tên và đã đặt tên cho rất nhiều con đường khoa học trên thế giới. Tôi lấy làm tiếc vì nhiều công trình mới thành lập đã phải tạm dừng vì nhiều lý do. Tôi hi vọng lần này, “Đại Lộ Khoa Học” tại Quy Nhơn sẽ mở ra mãi mãi cho Việt Nam và thế giới. Trung tâm ICISE của giáo sư Trần Thanh Vân sẽ là nơi hội tu, gặp gỡ và trao đổi của những nhà khoa học trên toàn thế giới”.

GS. Nobel Vật lý 1999 Gerardus ’t Hooft hi vọng con đường Đại Lộ Khoa Học sẽ mở mãi mãi cho Việt Nam và thế giới.
GS. Nobel Vật lý 1999 Gerardus ’t Hooft hi vọng con đường "Đại Lộ Khoa Học" sẽ mở mãi mãi cho Việt Nam và thế giới.

GS. Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, người đặt nền móng xây dựng Trung tâm ICISE tại Quy Nhơn (Bình Định) cho hay: “Nhiều người hỏi tôi đây là con đường nhỏ sao lại đặt tên “Đại Lộ Khoa Học”. Chúng tôi nghĩ, đường nhỏ hay to không quan trọng mà điều cốt yếu là tinh thần, trí tuệ của khoa học ở bên trong con đường nhỏ đấy. Đây sẽ là con đường mở ra một đô thị khoa học tại Việt Nam và thế giới”.

GS. Vân nhấn mạnh: “Từ ngày đi vào hoạt động, hàng năm Trung tâm ICISE đã vinh dự đón nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel trên khắp thế giới, hàng trăm nhà khoa học đến từ các châu lục. Chúng tôi mong muốn, sẽ có nhiều hơn nữa các nhà khoa học tại các viện hàn lâm trên thế giới về đây trao đổi, nghiên cứu khoa học tại Trung tâm ICISE”.

Tại Trung tâm ICISE, GS Nobel Vật lý 1999 Gerardus ’t Hooft đã đi thăm tổng thể các hạng mục mô hình nhà vũ trụ, đài quan sát thiên văn phổ thông và bảo tàng khoa học đang được UBND tỉnh Bình Định đầu tư để biến thung lũng Quy Hòa (TP Quy Nhơn) thành Khu đô thị khoa học tương lai tại Việt Nam.

Dự lễ đặt tên đường Đại Lộ Khoa Học có 70 nhà khoa học trên thế giới
Dự lễ đặt tên đường Đại Lộ Khoa Học có 70 nhà khoa học trên thế giới
GS. Nobel Vật lý 1999 Gerardus ’t Hooft thăm chuỗi đi thăm tổng thể các hạng mục mô hình nhà vũ trụ, đài quan sát thiên văn phổ thông và bảo tàng khoa học tại Khu đô thị khoa học Quy Hòa (TP Quy Nhơn, Bình Định)
GS. Nobel Vật lý 1999 Gerardus ’t Hooft thăm chuỗi đi thăm tổng thể các hạng mục mô hình nhà vũ trụ, đài quan sát thiên văn phổ thông và bảo tàng khoa học tại Khu đô thị khoa học Quy Hòa (TP Quy Nhơn, Bình Định)

Được biết, đây là một dự án bao gồm tổ hợp không gian khoa học tầm cỡ tại Việt Nam, dự án được tỉnh Bình Định quy hoạch đầu tư, dự kiến đến năm 2018 sẽ hoàn thành với tổng kinh phí hơn 110 tỷ đồng, bao gồm nhiều hạng mục như: mô hình nhà vũ trụ, đài quan sát thiên văn phổ thông và bảo tàng khoa học đang được thi công.

Hiện tại, UBND tỉnh Bình Định đã thuê kiến trúc sư Milou quy hoạch thêm khoảng 200 ha để xây dựng thung lũng Quy Hòa (TP Quy Nhơn) thành Khu đô thị Khoa học đầu tiên ở Việt Nam và khu vực.

Doãn Công