Đã tìm thấy bằng chứng về sự sống ngoài hành tinh trên sao Thổ?

(Dân trí) - Một lượng lớn khí mê-tan được tìm thấy trên Enceladus – một trong các mặt trăng của sao Thổ có thể là dấu hiệu lớn nhất cho thấy có thể tồn tại sự sống ở đâu đó trong hệ mặt trời.

Đã tìm thấy bằng chứng về sự sống ngoài hành tinh trên sao Thổ? - 1

Tàu vũ trụ Cassini của NASA lần đầu tiên phát hiện sự hiện diện của khí mê-tan trên Enceladus – một trong 62 mặt trăng của sao Thổ vào năm ngoái. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, các chuyên gia tin rằng lượng khí mê-tan đó có thể là phụ phẩm do hoạt động của sự sống tạo ra.

Một nghiên cứu đã thấy rằng có một số vi khuẩn cực kỳ khó tìm thấy trên Trái Đất có thể sống sót trong điều kiện băng giá của Enceladus.


Enceladus và sao Thổ.

Enceladus và sao Thổ.

Và nghiên cứu mới nhất được tiến hành trong một phòng thí nghiệm trên Trái Đất cho thấy, khí mê-tan chính là sản phẩm phụ mà các vi khuẩn này tạo ra khi chúng ăn hy-đrô. Hay nói cách khác, nếu có sự sống đang ẩn náu trên Enceladus thì nó có thể sẽ là một thứ gì đó tương tự với vi khuẩn Methanothermococcus okinawensis.

Đã tìm thấy bằng chứng về sự sống ngoài hành tinh trên sao Thổ? - 3

Methanothermococcus okinawensis là vi khuẩn sinh mê-tan – một loại vi khuẩn cổ chuyển hóa các phân tử hy-đrô và các-bon đi-ô-xít thành mê-tan – những thứ được tìm thấy trong các lỗ thông hơi thủy nhiệt trên Enceladus.

Nhà khoa học Simon Rittmann tới từ Khoa Di truyền Sinh thái và Hệ thống Sinh học của trường Đai học Vienne, Áo chia sẻ rằng ông và các đồng nghiệp đã có thể chứng minh rằng dưới các điều kiện giả định về Enceladus được mô phỏng trong phòng thí nghiệm, khí mê-tan sinh học đã được tạo ra. Do đó, “về mặt nguyên tắc, khí mê-tan được phát hiện trên Enceladus có thể có nguồn gốc sinh học”.

Theo ông, các nhiệm vụ tiếp theo đối với Enceladus hoặc các mặt trăng băng giá khác cần được trang bị đầy đủ để có thể phát hiện các dấu hiệu sinh học của sự sinh mê-tan do các vi khuẩn sinh mê-tan tạo ra, chẳng hạn như một số chất li-pid hoặc tỷ lệ đồng vị các-bon nhất định.

Đã tìm thấy bằng chứng về sự sống ngoài hành tinh trên sao Thổ? - 4

Một mặt trăng khác của sao Thổ - Titan cũng được cho là một ngôi nhà của sự sống ngoài hành tinh.

Năm ngoái, tàu vũ trụ Cassini đã phát hiện các chuỗi các-bon i-on âm – một trong những thành phần chính của sự sống trên Trái Đất – cũng hiện diện trên mặt trăng Titan.

Các nhà khoa học cho rằng chúng là một dạng chất xơ tiền sinh học, hay có thể nói đó chính là nền tảng cho sự sống – tương tự như trên Trái Đất.

Các hóa chất được phát hiện thấy trong bầu khí quyển của mặt trăng này đã làm thay đổi nhận thức của các nhà nghiên cứu về Titan.

Nhà khoa học Ravi Desai – một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại trường Đại học London (UCL) đồng thời cũng là trưởng nhóm nghiên cứu – cho hay: “nhóm nghiên cứu đã lần đầu tiên nhận định rõ ràng về các chuỗi các-bon i-on âm trong một bầu khí quyển kiểu hành tinh, nhóm nghiên cứu tin rằng đây là một bước quan trọng để tạo ra các dòng phân tử phức tạp hơn và ngày càng lớn hơn – chẳng hạn như các hạt sương lớn trên mặt trăng này. Đây là một quá trình vốn đã được biết đến ở môi trường liên sao (những đám mây phân tử lớn hình thành nên các ngôi sao), nhưng hiện nay chúng ta lại nhìn thấy nó trong một môi trường hoàn toàn khác, điều này đồng nghĩa với việc nó có thể đại diện cho một quy trình phổ biến tạo ra các phân tử hữu cơ phức tạp trong vũ trụ.

Ngọc Anh (Tổng hợp)