Cú đúp chinh phục Mặt Trăng: SpaceX sắp phóng cùng lúc hai tàu đổ bộ
(Dân trí) - SpaceX sẽ phóng hai tàu đổ bộ tư nhân lên Mặt Trăng vào tháng 1/2025, mở ra cơ hội mới, đồng thời củng cố vai trò của khu vực tư nhân trong ngành công nghiệp không gian.
SpaceX dự kiến sẽ phóng hai tàu đổ bộ Mặt Trăng tư nhân vào tháng 1/2025. Hai tàu này sẽ được phóng cùng lúc trên một tên lửa Falcon 9 do công ty chế tạo.
Một trong số đó là tàu đổ bộ "Resilience" của công ty Nhật Bản ispace.
Đây được xem là sứ mệnh "lấy lại niềm tin" của ispace trong bối cảnh công ty có 2 thất bại liên tiếp trong việc phóng và hạ cánh tàu vũ trụ vào năm 2023.
Tàu "Resilience" sẽ mang theo 5 thiết bị khoa học, bao gồm một thiết bị điện phân nước, một module sản xuất thực phẩm thử nghiệm, một đầu dò bức xạ không gian sâu, một tấm hợp kim kỷ niệm và một robot tự hành nhỏ, tên là "Tenacious".
Robot tự hành này cao 26 cm, được phát triển bởi chi nhánh của ispace tại Luxembourg, có nhiệm vụ khám phá bề mặt Mặt Trăng và thu thập dữ liệu. Tàu dự kiến sẽ hạ cánh tại khu vực Mare Frigoris ("Biển Lạnh") một đồng bằng bazan lớn nằm ở vĩ độ 60,5 độ Bắc so với xích đạo Mặt Trăng.
"Trong khoảng một tháng nữa, sứ mệnh mang tính lịch sử của ispace sẽ được phóng và chúng tôi sẽ có nỗ lực thứ 2 để hạ cánh xuống Mặt Trăng ", ông Takeshi Hakamada, nhà sáng lập kiêm CEO ispace cho biết trong một tuyên bố.
Tàu đổ bộ thứ hai có tên gọi là "Blue Ghost" do công ty Firefly Aerospace (Mỹ) chế tạo.
Tàu đổ bộ Blue Ghost sẽ mang theo 10 thiết bị khoa học của NASA, tập trung vào nghiên cứu bụi Mặt Trăng, đặc điểm địa vật lý và tương tác của thời tiết không gian.
Theo dự kiến, tàu sẽ cố gắng hạ cánh gần Mons Latreille, một đặc điểm núi lửa ở nửa tối của Mặt Trăng, nhằm tránh các dị thường từ tính lớn có thể ảnh hưởng đến các phép đo của thiết bị. Khu vực này cũng được cho là có ít đá, thuận lợi cho hoạt động của các thiết bị khoan trên tàu.
Được biết, một trong những mục tiêu chính của sứ mệnh là nghiên cứu bụi Mặt Trăng, hay regolith, vốn có thể ảnh hưởng đến các thành phần cơ học, gây suy giảm vật liệu và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Các thiết bị trên "Blue Ghost" sẽ kiểm tra cách bụi bám vào các vật liệu khác nhau và nghiên cứu phương pháp sử dụng điện từ để ngăn chặn sự tích tụ bụi.
Ngoài ra, tàu đổ bộ sẽ mang theo các thiết bị để chụp ảnh tương tác giữa từ quyển của Trái Đất và gió Mặt Trời, cung cấp dữ liệu quan trọng cho việc dự báo thời tiết và bảo vệ kết nối vệ tinh.
Sứ mệnh dự kiến kéo dài khoảng 60 ngày, trong đó "Blue Ghost" sẽ thu thập dữ liệu khoa học và ghi lại các hiện tượng thiên văn như nhật thực và hoàng hôn trên Mặt Trăng.
Cả hai sứ mệnh trên đều nằm trong chương trình Dịch vụ Tải trọng Thương mại Mặt Trăng (CLPS) của NASA, nhằm thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc khám phá Mặt Trăng và hỗ trợ chương trình Artemis của NASA.
Theo các chuyên gia, việc phóng đồng thời hai tàu đổ bộ tư nhân trên cùng một tên lửa không chỉ thể hiện sự tiến bộ trong công nghệ không gian mà còn đánh dấu bước phát triển quan trọng trong việc hợp tác giữa các công ty tư nhân và cơ quan không gian quốc gia.
Điều này mở ra cơ hội mới cho việc khám phá và khai thác tài nguyên trên Mặt Trăng, đồng thời củng cố vai trò của khu vực tư nhân trong ngành công nghiệp không gian.