1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Cử động chân khi ngồi có thể phòng ngừa bệnh động mạch

(Dân trí) - Một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng, cử động chân khi ngồi tại chỗ có thể bảo vệ các mạch máu ở chân và có khả năng giúp ngăn ngừa bệnh động mạch. Nếu phải ngồi nhiều trước máy tính hay ti vi, bạn nên thường xuyên cử động chân của mình.

Jaume Padilla - tác giả chính của nghiên cứu, Phó giáo sư tại Đại học Missouri, Columbia cho biết: “Chúng tôi muốn biết liệu một cử động nhỏ ở chân có thể ngăn chặn sự suy giảm chức năng mạch máu chân do ngồi lâu hay không?”

Cử động chân khi ngồi có thể phòng ngừa bệnh động mạch - 1

Ông nhấn mạnh: “Mặc dù nghĩ rằng cử động chân sẽ làm tăng lưu lượng máu đến các chi dưới nhưng chúng tôi đã khá ngạc nhiên khi thấy điều này đủ để ngăn chặn sự suy giảm chức năng động mạch.”

Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã so sánh chức năng mạch máu chân của 11 người đàn ông và phụ nữ trẻ khỏe trước và sau 3 giờ ngồi liên tục.

Trong khi ngồi, những người tham gia được yêu cầu cử động một chân từng đợt, vỗ nhẹ chân kia trong một phút và sau đó để chân nghỉ ngơi bốn phút, trong khi chân còn lại vẫn để nguyên. Tính trung bình, những người tham gia cử động đôi chân của mình 250 lần mỗi phút.

Sau đó, các nhà nghiên cứu đã đánh giá lưu thông máu ở khoeo chân - một động mạch ở cẳng chân - và thấy rằng chân cử động đã có sự gia tăng đáng kể lưu thông máu như mong đợi, trong khi chân tĩnh bị giảm lưu thông máu.

Trong thử nghiệm chỉ có một chân được cử động, nhưng trên thực tế, các nhà nghiên cứu khuyên bạn nên cử động cả hai chân để đạt hiệu quả tối đa. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng cử động chân tại chỗ không thể thay thế cho đi bộ và tập thể dục - những phương pháp vận động tốt cho tim mạch nói chung.

Padilla cho biết: “Bạn nên cố gắng hạn chế việc ngồi im tại chỗ bằng cách đứng lên hoặc đi bộ. Nhưng nếu bạn không thể đi bộ thì cử động chân là một lựa chọn tốt. Bất cứ một cử động nhỏ nào cũng tốt hơn là không.”

Phát hiện này được công bố trên American Journal of Physiology - Heart and Circulatory Physiology.

Hà Ngân (Theo Timesofindia)