“Cụ” cá kì lạ sống “siêu thọ” dù bị nuôi nhốt

(Dân trí) - Một “cụ” cá phổi có tên Methuselah hiện đang giữ kỷ lục sống thọ nhất trong thế giới loài cá, với độ tuổi vào khoảng từ 85 – 90 tuổi.

“Cụ” cá Methuselah hiện sống tại Viện Hải dương học Steinhart, Học viện Khoa học California ở San Francisco (Mỹ).

Đến Viện Hải dương học Steinhart vào năm 1938 với chiều dài 1,2m và đã vào độ tuổi trưởng thành, “cụ” cá phổi này được chuyên gia ước tính ít nhất khoảng 85 – 90 năm tuổi.

“Cụ” cá phổi Methuselah tại Viện hải dương học Steinhart.
“Cụ” cá phổi Methuselah tại Viện hải dương học Steinhart.

“Cụ” cá kì lạ này cũng có cái tên khá đặc biệt khi được đặt tên: Methuselah - người sống đến 969 tuổi trong Kinh Thánh.

Methuselah là một con cá cái thuộc loài cá phổi xuất xứ từ Úc thuộc về phân lớp cá vây tay (Sarcopterygii). Tổ tiên của “cụ” cá phổi Methuselah xuất hiện vào thời kỳ Tiền Devon (cách nay 416-397 triệu năm).

Đối với những loài cá bình thường, bong bóng chỉ là bộ phận giúp cá giữ thăng bằng khi bơi nhưng ở cá phổi, bong bóng phát triển thành phổi để lấy oxy trực tiếp từ không khí.

"Tôi muốn nói đó là sự chăm sóc của tôi, nhưng không phải. Đó là thành quả của di truyền học", Allan Jan, nhà sinh vật học cao cấp và là người chăm sóc chính cho “cụ” cá phổi Methuselah tại Viện Hải dương Steinhart cho biết.

Bên cạnh yếu tố di truyền, các nhà khoa học cho rằng “cụ” cá phổi này có chế độ ăn cũng khá đặc biệt.

Allan Jan cho biết, Methuselah luôn ăn uống khá lành mạnh. “Cụ” cá phổi này cũng không quá cầu kì trong thức ăn nhưng đặc biệt thích tôm và quả sung. Chính vì thói quen ăn uống lành mạnh, “cụ” cá Methuselah đôi khi cũng từ chối không ăn những loại thức ăn lạ từ các tình nguyện viên ở Viện hải dương học.

Trong tám thập niên xuất hiện tại Viện hải dương học, “cụ” cá Methuselah đã đón tiếp hàng triệu du khách. Rất nhiều du khách đã rất bất ngờ trước kích thước khổng lồ của Methuselah.

Hiện tại, Methuselah vẫn sinh hoạt rất bình thường và có thể nâng số tuổi đời của mình lên mức đáng kinh ngạc trong thời gian tới, đặc biệt lại là trong môi trường nuôi nhốt.

Minh Long (Theo Live Science)