Công nghệ DNA mới hỗ trợ truy tìm tội phạm nhanh hơn

(Dân trí) - Các nhà khoa học tại đại học Flinders University, Australia, mới công bố một kỹ thuật phân tích DNA mới có thể coi là một vũ khí hữu hiệu trong cuộc chiến chống lại tội phạm trong tương lai.

Giáo sư Adrian Linacre, người đứng đầu dự án này cho biết, bọn tội phạm thường để lại các dấu vết khó tránh khỏi tại hiện trường vụ án. Đó chính là cơ sở để tìm dấu vết của DNA. Tuy nhiên, trước đây, không dễ dàng chút nào.

Trước những khó khăn trong việc truy tìm dấu vết của tội phạm tại hiện trường các vụ án phức tạp, các nhà khoa học tại Australia đã phát triển một loại hóa chất đặc biệt như một loại thuốc nhuộm giúp các nhà điều tra có thể truy tìm dễ dàng hơn dấu vết của DNA tại hiện trường vụ án.

Công nghệ giám định DNA mới của các nhà khoa học đến từ Australia được cho là vũ khí mới trong công cuộc truy tìm các loại tội phạm.
Công nghệ giám định DNA mới của các nhà khoa học đến từ Australia được cho là vũ khí mới trong công cuộc truy tìm các loại tội phạm.

Ví dụ như các đối tượng tội phạm sờ vào những vật dụng tại hiện trường, dấu vân tay của chúng sẽ in lên đó. Những dấu vấn tay này chính là cơ sở cực kỳ giá trị để truy tìm DNA. Loại thuốc nhuộm đặc biệt mới chính là công cụ hỗ trợ tuyệt vời nhất cho việc giám định ngay tại hiện trường vụ án.

Để thực hiện dự án này, có 11 nhà tài trợ đã hỗ trợ nguồn ngân sách cho các nhà khoa học để nghiên cứu 264 mẫu vân tay khác nhau.

Thực tế, DNA có trong mọi tế bào của cơ thể sống. DNA có thể thu thập được từ dấu vân tay, tóc, tinh dịch, nước bọt, móng tay, máu hoặc da chết của hung thủ lưu lại tại hiện trường vụ án.

So với phương pháp lấy lời khai, lấy dấu vân tay… thì xét nghiệm giám định DNA có hiệu quả cao hơn rất nhiều.

Chính vì vậy, bằng cách phân tích và kiểm tra mẫu DNA tại hiện trường, các cơ quan chức năng có thể nhanh chóng đưa ra một hồ sơ đầy đủ về cá nhân nào đó dựa trên ngân hàng dữ liệu được xây dựng từ trước.

Trước đó, vào năm 1980, tiến sĩ Alec Jeffreys, một nhà di truyền học người Anh trong lúc nguyên cứu đề tài bệnh di truyền ở các gia đình, đã phát hiện ra sự lặp đi lặp lại của một đoạn cấu trúc ADN. Đây chính là bước ngoặt quan trọng trong việc xác định danh tính tội phạm trong các vụ án sau này tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Minh chứng cho hiệu quả của phương pháp giám định với DNA, phương pháp của tiến sĩ Jeffreys đã được áp dụng lần đầu trong quá trình giám định pháp y vụ giết người xảy ra năm 1983.

Nạn nhân là Lynda Mann, 15 tuổi, được tìm thấy trong tình trạng bị tấn công tình dục và giết hại dã man ở làng Narborough, Leicestershire, Birmingham (Anh).

Ngay sau khi phát hiện vụ việc, các giám định viên đã thu thập DNA có trong tinh dịch lưu lại trên cơ thể nạn nhân. Bằng phương pháp RLFP (Restriction Fragment Length Polymorphism), tiến sĩ Jeffreys đã thực hiện so sánh với mẫu DNA của kẻ tình nghi lúc đó là Richarf Buckland, 14 tuổi. Tuy nhiên, kết quả không khớp, Richard Buckland được chứng minh vô tội. Nếu không có phương pháp mới thì khả năng cao là Richard Buckland sẽ bị kết án một cách oan uổng.

Trong lịch sử phát triển của công nghệ giám định với DNA, hiện nay các nhà khoa học đã và đang phát triển thêm nhiều phương án giám định pháp y khác để hỗ trợ tích cực hơn trong việc xác định chính xác danh tính của kẻ phạm tội và tránh xảy ra oan sai ở mức cao nhất.

Minh Long (Theo Foxnews)