Công bố bức ảnh gần nhất của lỗ đen
(Dân trí) - Các nhà khoa học đã công bố hình ảnh gần nhất và chi tiết nhất về dòng khí của một lỗ đen siêu lớn, với một tia phản lực cực mạnh được đẩy ra từ nó.
Hiện tượng này xảy ra khi vật chất rơi vào lỗ đen và một phần tăng tốc gần như với tốc độ ánh sáng. Trái ngược với giả định của các chuyên gia, luồng phản lực không hoàn toàn thẳng, một đường uốn cong được hình thành tại chân đế với cấu trúc được đặt vuông góc với hướng của luồng chính.
Ngoài ra, các nhà khoa học đã ghi lại sự quay của đĩa bồi tụ và xay vụn bất kỳ vật chất nào xuất hiện trong lỗ đen.
Hố đen quan sát được nằm ở khu vực trung tâm của quasar 3C 279, nằm cách Trái đất 5 tỷ năm ánh sáng và được coi là cực kỳ sáng.
Cần lưu ý chính nhóm các nhà khoa học này đã thu được hình ảnh chưa từng thấy, lần đầu tiên về bóng của một lỗ đen khác nằm trong thiên hà M87.
Kính thiên văn Chân trời sự kiện là một dự án và là chương trình quan sát thiên văn tập trung vào các lỗ đen siêu khối lượng nằm ở trung tâm các thiên hà.
Chương trình sử dụng kỹ thuật giao thoa với đường cơ sở rất dài (Very Long Baseline Interferometry, VLBI) bằng cách kết hợp các kính viễn vọng vô tuyến trên toàn thế giới trong đó nhiều ăng-ten độc lập cách xa hàng chục nghìn km được điều phối, cùng quan sát và ghi lại dữ liệu trong cùng một thời điểm, tạo thành một mạng lưới kính thiên văn khổng lồ có đường kính tương đương đường kính Trái Đất.
Kính thiên văn ảo này làm tăng độ phân giải góc đến mức đủ quan sát cấu trúc lớn của vùng bao quanh chân trời sự kiện (biên phía trong của không-thời gian gần một điểm kỳ dị, tất cả các loại vật chất nếu nằm dưới giới hạn này, kể cả các sóng điện từ (gồm cả ánh sáng) đều không thể vượt ra ngoài để đến với người quan sát).
Dự án EHT hy vọng thực hiện kiểm chứng thuyết tương đối tổng quát của Einstein khi sẽ phát hiện ra những sai lệch dưới ảnh hưởng trường hấp dẫn mạnh của một lỗ đen, nghiên cứu đĩa bồi tụ và các tia phát ra từ lỗ đen, thảo luận về sự tồn tại của chân trời sự kiện, và phát triển cơ sở vật lý lỗ đen.
M.P
Theo Sputnik/ Eventhorizontelescope