CO2 trên đà đạt mức cao kỷ lục vào năm 2022
(Dân trí) - So với thời điểm "Hiệp định Paris được ký kết" vào năm 2015, lượng khí thải không giảm, mà tăng hơn 5%. Đây là điều đáng báo động.
Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 ở Ai Cập, các nhà khoa học cho biết lượng khí thải carbon dioxide (CO2) từ nhiên liệu hóa thạch, nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu, đang trên đà tăng 1% vào năm 2022 để đạt mức cao nhất mọi thời đại.
Cùng với đó, lượng khí thải từ dầu mỏ, do ảnh hưởng từ sự phục hồi liên tục của ngành hàng không, có thể sẽ tăng hơn 2% so với năm ngoái, và lượng khí thải từ than đá cũng sẽ đạt kỷ lục mới.
"Xăng dầu được thúc đẩy nhiều hơn bởi sự phục hồi từ Covid, than đá, khí đốt... đến từ các sự kiện ở Ukraine", Glen Peters, Giám đốc nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Khí hậu CICERO ở Na Uy cho biết.
Từ tất cả những nguồn kể trên, các nhà khoa học dự đoán lượng khí thải CO2 sẽ đạt mức 40,6 tỷ tấn vào năm 2022, chỉ thấp hơn đôi chút so với ngưỡng thiết lập năm 2019.
So với thời điểm "Hiệp định Paris được ký kết" vào năm 2015, lượng khí thải không giảm, mà tăng hơn 5%. "Đây là điều đáng báo động", Peters khẳng định.
Những "điểm nóng" khí thải
Trong những thập kỷ gần đây, các nhà khoa học thường nhấn mạnh vai trò của Trung Quốc, quốc gia đứng đầu thế giới về ô nhiễm carbon trong khoảng 15 năm.
Tuy nhiên trong năm 2022, Trung Quốc bất ngờ có những tiến triển vượt bậc, khi dự kiến sẽ giảm gần 1% sản lượng CO2 khi tháng 12 kết thúc. Đây được xem là một nỗ lực của Bắc Kinh trong việc kiểm soát nghiêm ngặt lượng khí thải.
Cùng với đó, Liên minh châu Âu cũng đang trên đà chứng kiến giảm bớt lượng khí thải, khi toàn khối này đã giảm gần 0,8%.
Ở chiều ngược lại, Mỹ và Ấn Độ vẫn đang cho thấy những dấu hiệu đáng lo ngại, khi lượng khí thải của Mỹ có thể sẽ tăng 1,5% và của Ấn Độ là 6% trong năm 2022.
Các số liệu mới cho thấy việc cắt giảm lượng khí thải đủ nhanh để đáp ứng mục tiêu của Paris là hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.
Các nhà khoa học cảnh báo, việc nóng lên vượt quá ngưỡng đó có nguy cơ gây ra các điểm tới hạn nguy hiểm trong hệ thống khí hậu.
Cho đến nay, việc nóng lên 1,2 độ C đã tạo ra một loạt các thời tiết khắc nghiệt chết người, tiêu tốn hàng tỉ USD, điển hình từ các đợt nắng nóng, hạn hán đến lũ lụt và các cơn bão nhiệt đới cũng đang tàn phá nhiều hơn bởi nước biển dâng cao.
Để đạt được mục tiêu đầy tham vọng của Paris, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu phải giảm 45% vào năm 2030 và được cắt giảm về 0 vào giữa thế kỷ này.