CO2 bị giữ trong đất đang bắt đầu thoát ra ngoài
(Dân trí) - CO2 – loại khí nhà kính chịu trách nhiệm chính cho sự nóng lên toàn cầu không chỉ quanh quẩn trong không khí mà còn bị nhốt chặt ở sâu dưới lòng đất.
CO2 – loại khí nhà kính chịu trách nhiệm chính cho sự nóng lên toàn cầu không chỉ quanh quẩn trong không khí mà còn bị nhốt chặt ở sâu dưới lòng đất.
Trong đất, các bể các-bon đã được tạo nên từ hàng ngàn năm qua, với nồng độ tương đối ổn định do các hoạt động chậm rãi của các vi khuẩn sử dụng các-bon để có năng lượng.
Từ lâu, các nhà khoa học đã dự đoán về sự nóng lên toàn cầu liệu có ảnh hưởng tới quá trình này. Một nghiên cứu mới từ Đại học Yale đã cho rằng điều đó là đúng.
Bài nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature trong tuần này đã cho rằng, biến đổi khí hậu đang làm gia tăng hoạt động của tất cả các loại vi khuẩn, có nghĩa là bắt đầu sẽ có nhiều các-bon được thải vào không khí hơn. Đây thực sự là một tin tồi tệ với hành tinh của chúng ta, bởi vì như các nghiên cứu rộng rãi đã cho thấy, sự gia tăng nồng độ khí nhà kính đang góp phần làm cho Trái đất nóng lên.
Nghiên cứu này cũng cho rằng, lượng khí thải thêm từ dưới lòng đất có thể rất lớn – với tổng lượng lớn bằng lượng khí thải của Mỹ - nước phát thải khí nhà kính nhiều thứ 2 trên hành tinh. Trong thực tế, nghiên cứu nói rằng, theo như dự đoán từ trước, tới năm 2050 sẽ có ít nhất 55 tỉ tấn các-bon thoát ra khỏi lòng đất, tức là sẽ tăng thêm khoảng 17% lượng khí thải phát thải vào trong không khí so với các hoạt động phát thải có liên quan đến con người trong giai đoạn này.
Phần lớn lượng phát thải các-bon trong đất đến từ những vùng đất ở các khu vực lạnh hơn và có vĩ độ cao, cũng như các địa điểm bị bỏ quên trong các nghiên cứu trước đây. Điều này là do các-bon được lưu trữ nhiều nhất ở các khu vực như Bắc cực và cận Bắc cực – nơi đất lạnh và thường bị đóng băng. Vi khuẩn cũng ít hoạt động khi trời lạnh, vì thế các-bon có thể dần được tích tụ dưới mặt đất qua nhiều thế kỷ.
Khi mọi thứ ấm áp hơn, các hoạt động của vi khuẩn cũng gia tăng, và đó là khi CO2 thoát ra. Theo Thomas Crowther – một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại trường Nghiên cứu Lâm nghiệp và Môi trường của Đại học Yale, và tại Viện Sinh thái học của Hà Lan – cho biết: “Điều đáng sợ là, những khu vực lạnh lẽo này là những nơi được dự kiến sẽ nóng lên nhiều nhất dưới tác động của biến đổi khí hậu”
Kết quả nghiên cứu dựa trên sự phân tích các giá trị dữ liệu trong 20 năm về lượng các-bon trong đất ở các khu vực khác nhau. Nhóm nghiên cứu dự đoán rằng, cứ khi ấm lên 1 độ C, thì khoảng 30 tỷ tấn các-bon sẽ thoát ra khỏi lòng đất. Trọng lượng đó tương đương với cân nặng của 190 triệu con cá voi xanh.
Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu có mục tiêu là không để cho trái đất nóng lên quá 2 độ C, nhưng ngay cả khi chỉ tăng 2 độ C thì cũng sẽ làm phát thải ra một lượng CO2 khổng lồ.
Đất bị mất các-bon không phải là phản ứng duy nhất với sự nóng lên toàn cầu. Một số quá trình sinh học khác, chẳng hạn như sự phát triển nhanh hơn của cây cối có thể có cả những tác động tích cực hay tiêu cực về lượng các-bon thải ra. Các nhà nghiên cứu cho rằng, hiểu được những quá trình tương tác này ở quy mô toàn cầu là rất quan trọng đối với sự hiểu biết về biến đổi khí hậu.
Crother cho rằng “Xử lý các loại phản hồi như thế này là điều hết sức cần thiết nếu như chúng ta đang thực hiện các dự án có ý nghĩa với điều kiện khí hậu trong tương lai. Chỉ khi chúng ta có thể tạo ra các mục tiêu phát thải khí nhà kính thực tế thì mới có hiệu quả hạn chế biến đổi khí hậu”.
Anh Thư (Tổng hợp)