1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Có bất thường khi liên tục xuất hiện động đất ở Mường Tè – Lai Châu?

(Dân trí) - Chỉ trong vòng 48 giờ, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu đã ghi nhận 4 trận động đất tại địa bàn huyện Mường Tè với độ lớn khác nhau. Vậy điều này có bất thường?

Có bất thường khi liên tục xuất hiện động đất ở Mường Tè – Lai Châu? - 1

Cuối ngày 15/6, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu phát đi thông báo: Vào hồi 16 giờ 43 phút 16 giây (giờ GMT) ngày 15 tháng 6 năm 2020 tức 23 giờ 43 phút 16 giây (giờ Hà Nội) ngày 15 tháng 6 năm 2020 một trận động đất có độ lớn 3.3 xảy ra tại vị trí có tọa độ (22.492 độ vĩ Bắc, 102.740 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Chưa đầy 24 tiếng sau, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu tiếp tục phát đi các thông báo về đồng đất ở huyện Mường Tè – Lai Châu: Cụ thể, vào hồi 06 giờ 12 phút 26 giây (giờ GMT) ngày 16 tháng 6 năm 2020 tức 13 giờ 12 phút 26 giây (giờ Hà Nội) ngày 16 tháng 6 năm 2020 một trận động đất có độ lớn 4.9 xảy ra tại vị trí có tọa độ (22.563 độ vĩ Bắc, 102.655 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 12.6 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 quanh khu vực tâm chấn và cấp 3 tại khu vực lân cận.

Vào hồi 15 giờ 03 phút 28 giây (GMT), ngày 16/6/2020, tức 22 giờ 03 phút 28 giây, ngày 16/6/2020 (giờ Hà Nội) một trận động đất có độ lớn 2.2 xảy ra tại vị trí có tọa độ (22.506 độ vĩ Bắc, 102.675 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 18.6. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Tiếp tục rạng sáng ngày 17/6, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu tiếp tục thông báo: Vào hồi 20 giờ 47 phút 45 giây (giờ GMT) ngày 16 tháng 6 năm 2020 tức 03 giờ 47 phút 45 giây (giờ Hà Nội) ngày 17 tháng 6 năm 2020 một trận động đất có độ lớn 2.5 xảy ra tại vị trí có tọa độ (22.465 độ vĩ Bắc, 102.834 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 12.8 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Như vậy chỉ trong thời gian ngắn, có đến 4 trận động đất có độ lớn khác nhau xảy ra ở địa bàn huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Trong đó đáng chú ý là trận động đất có độ lớn 4.9 đã gây ra một số thiệt hại.

Cụ thể, theo báo Lao động, khoảng 13h ngày 16/6, tại xã Mường Tè, trận động đất gây rung lắc làm nhiều nhà dân và một số công trình công cộng bị rạn nứt hư hỏng. Ngoài ra, động đất còn làm một điểm trường mầm non bị sập trần thạch cao gây hoảng loạn cho cô và trò, có 4 trẻ bị thương nhẹ phải đưa đến cơ sở y tế.

Điểm trường bị sập trần thạch cao thuộc bản Giẳng của xã Mường Tè. Động đất gây rung lắc mạnh trong thời gian ngắn lại đang là giờ ngủ trưa của các cháu nên cô trò không kịp chạy. Do bị những tấm trần thạch cao rơi trúng người nên một cháu bị xước, ba cháu khác bị sưng tím phần mềm. Ngay sau khi sự việc xảy ra, các cô giáo và nhà trường đã đưa bốn cháu xuống trạm y tế xã để kiểm tra, sơ cứu và theo dõi. Rất may không có cháu nào bị thương nặng hay nguy hiểm đến tính mạng.

Trao đổi nhanh với Dân trí về việc liên tục xuất hiện động đất ở Mường Tè – Lai Châu, TS Nguyễn Xuân Anh – Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu cho hay: Những trận động đất mạnh thường có tiền chấn và dư chấn. Như ở Cao Bằng trước đây cũng xuất hiện những trận động đất có độ lớn nhỏ trước khi xảy ra trận động đất lớn, sau khi trận động đất lớn kết thúc thì tiếp tục xuất hiện các trận động đất nhỏ. Như vậy không có gì bất thường ở đây. Tuy nhiên trận động đất có độ lớn 4.9 ở Mường Tè – Lại Châu được đánh giá là trận động đất lớn ở khu vực. Hiện đơn vị cũng đã cử đoàn đi Mường Tè – Lai Châu để khảo sát trận động đất này.

Có bất thường khi liên tục xuất hiện động đất ở Mường Tè – Lai Châu? - 2

TS Nguyễn Xuân Anh - Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu. 

Cũng theo TS Xuân Anh, trong lịch sử các khu vực thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc từng xảy ra các trận động đất lớn chính vì vậy nguy cơ xảy ra động đất có thể gây thiệt hại là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Tuy nhiên, tại Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu, chế độ trực ca được duy trì suốt ngày đêm để đảm bảo phát hiện kịp thời các hiểm họa động đất – sóng thần. Các công cụ xử lý số liệu tự động cho phép định vị động đất trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 phút sau khi động đất xảy ra.

Theo quy chế của chính phủ, tất cả các trận động đất xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam với độ lớn từ 3,5 độ trở lên theo thang Mô men sẽ được Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần thông báo cho các cơ quan quốc gia có chức năng truyền bá thông tin và ứng phó nhanh nhất, trong đó các cơ quan được cấp báo đầu tiên là Đài Truyền hình và Đài Tiếng nói Việt Nam, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Đối với những trận động đất cố độ lớn M < 3.5, sẽ được thông báo ngay lập tức sau khi phát hiện trên website của Viện Vật lý Địa cầu.

Với độ ngũ các nhà khoa học đã có nửa thế kỷ trong lĩnh vực nghiên cứu địa chấn ở Việt nam, tại Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần các kiến thức chuyên môn của các nhà khoa học được ứng dụng ngay trong công tác phát hiện và cảnh báo kịp thời những trận động đất và sóng thần có khả năng gây thiệt hại cho cộng đồng trên toàn lãnh thổ Việt Nam khu vực Biển Đông.

Nguyễn Hùng