Clip người đàn ông tắm cho rắn hổ chúa gây rùng mình
(Dân trí) - Đoạn clip ghi lại khoảnh khắc người đàn ông dội nước để tắm cho rắn hổ chúa, sau đó dùng tay để đùa giỡn với con vật khiến nhiều người chứng kiến phải rùng mình vì sợ.
Đoạn clip được chia sẻ nền tảng mạng xã hội Twitter, cho thấy một người đàn ông đang dùng xô nước để dội lên đầu một con rắn hổ chúa cỡ khủng, sau đó còn dùng tay để đùa giỡn với con rắn như vật cưng.
Đoạn clip được cho là quay tại Ấn Độ và người đàn ông đang dùng nước để hạ nhiệt cho con rắn trong một ngày nắng nóng. Mặc dù con rắn hổ chúa ngóc đầu và bành mang, nhưng con vật không thể hiện thái độ hung hãn cũng như không tấn công người đàn ông đang tắm mát cho mình.
Đoạn clip đã gây sốt sau khi được đăng tải lên Twitter, trước khi được chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội khác như Facebook, Instagram hay Reddit… Nhiều cư dân mạng cho biết họ cảm thấy rùng mình khi chứng kiến cảnh người đàn ông dùng tay đùa giỡn với con rắn trong đoạn clip.
"Vừa xem đoạn clip tôi vừa sợ rằng con vật sẽ bất ngờ tung cú mổ vào tay của người đàn ông này. Rất khó có thể đoán được phản ứng của một con rắn, đặc biệt khi đó là loài rắn sở hữu nọc độc chết người", một người dùng Twitter khác bình luận.
"Tại sao nhiều người lại liều lĩnh cả mạng sống của mình để đùa giỡn với một loài vật đáng sợ như vậy? Niềm đam mê hay sự tự tin đã giúp họ thực hiện điều đó?", một cư dân mạng khác chia sẻ.
Trong khi đó, nhiều cư dân mạng cho rằng rất có thể con rắn hổ chúa trong đoạn clip đã được thuần hóa và là rắn nuôi. Tuy nhiên, ý kiến này đã bị phản bác, khi mà những loài động vật máu lạnh như rắn không thể thuần hóa như các loài động vật máu nóng khác.
"Rắn là loài động vật máu lạnh không thể thuần phục, cho nên nếu đây là một con rắn nuôi thì nó vẫn rất đáng sợ và sẵn sàng tấn công người nuôi bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, nếu là rắn nuôi thì phản ứng sẽ chậm và dễ đoán hơn so với những con rắn hoang dã", một người dùng Twitter nhận xét.
Rắn hổ chúa nói riêng và các loài rắn nói chung là loài máu lạnh, do vậy chúng không thể tự thay đổi thân nhiệt để phù hợp với điều kiện môi trường. Trong những ngày nắng nóng, chúng cần phải tìm nơi có nguồn nước hoặc được tắm mát để bảo đảm thân nhiệt ổn định.
Hổ chúa là loài rắn độc lớn nhất thế giới, với chiều dài trung bình từ 3 đến 4m, có trường hợp ghi nhận cá thể rắn hổ chúa dài đến 6m. Loài rắn độc này sống chủ yếu ở các khu rừng mưa và đồng bằng của Ấn Độ, miền nam Trung Quốc và Đông Nam Á.
Nọc độc của rắn hổ chúa không phải là mạnh nhất trong số các loài rắn độc, nhưng lượng chất độc mà chúng sử dụng trong một cú cắn đủ để giết chết 20 người trưởng thành. Nọc độc của rắn hổ chúa ảnh hưởng đến các trung tâm hô hấp ở não, gây ngừng hô hấp và suy tim.
Thức ăn của hổ chúa là các loài rắn khác, thậm chí loài rắn này có thể ăn thịt cả đồng loại nếu thiếu nguồn thức ăn. Vai trò của hổ chúa là kiểm soát số lượng rắn trong khu vực mà nó sinh sống. Hổ chúa được đánh giá là loài rắn khá nhút nhát, thường tìm cách lẩn trốn khi đối đầu với con người và chỉ tấn công trong trường hợp bị đe dọa hoặc bị kích thích.
Theo Gecko/NDTV