Chuyên gia tiết lộ cơ chế lây nhiễm “đặc biệt” của coronavirus
(Dân trí) - Coronavirus có cách đặc biệt để xâm nhập vào tế bào. Nó không xâm nhập qua màng tế bào ở những nơi tùy ý như nhiều virus khác.
Đó là chia sẻ của Bác sĩ Timur Bessarab, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, phó tiến sĩ y khoa, thành viên Ban chỉ đạo về kiểm soát và theo dõi tình hình dịch bệnh coronavirus của Nga.
Bác sĩ Timur Bessarab cũng thông tin thêm: Hệ thống "gai vương miện" của virus tấn công các tế bào bằng cách thay thế các phân tử có ý nghĩa sống còn đối với tế bào bằng chất protein của "gai vương miện" này. Với cơ chế lây nhiễm như vậy khiến cho hệ thống miễn dịch của con người khó nhận biết virus hơn. Từ đó bắt đầu công việc phá hoại của virus trong cơ thể. Điểm dễ bị tổn thương nhất là hệ thống cơ quan hô hấp.
Tổ chức Y tế thế giới ngày 11/3 tuyên bố sự bùng phát coronavirus chúng mới Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Theo số liệu mới nhất, trên thế giới có hơn 421 nghìn người bị nhiễm, gần 19 nghìn người đã chết vì căn bệnh này.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang lây lan trên phạm vi toàn cầu với số ca tử vong tăng nhanh mỗi ngày, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi cuối tuần qua đã liệt kê các phương án điều trị căn bệnh do virus corona mới (SARS-CoV-2) gây ra.
Các phương án trên bao gồm thuốc trị Ebola remdesivir, thuốc trị sốt rét chloroquine, hỗn hợp thuốc trị HIV lopinavir và ritonavir, hỗn hợp lopinavir và ritonavir cộng với interferon beta. Hiện chưa có bất cứ loại thuốc kháng virus có sẵn nào được chỉ định dùng để điều trị Covid-19.
Mới đây, các nhà khoa học Pháp vừa báo cáo về kết quả thành công của nghiên cứu lâm sàng sau khi kết hợp hai loại thuốc hiện có - hydroxychloroquine và azithromycin để chữa bệnh do nhiễm SARS-CoV-2.
Cụ thể, tham gia nghiên cứu là 36 bệnh nhân trưởng thành, với cả các triệu chứng COVID-19 lẫn những người không có triệu chứng, họ đều được xác nhận nhiễm SARS-CoV-2 theo mẫu quét dịch mũi họng. Những người không đồng ý dùng thuốc mới được đưa vào nhóm kiểm soát gồm 16 người, họ vẫn được trị liệu theo phác đồ như trước đây, tức là điều trị theo triệu chứng và kháng sinh để ngăn ngừa bội nhiễm vi khuẩn.
14 bệnh nhân còn lại uống 200 miligam hydroxychloroquine sulfate ba lần/ngày trong 10 ngày. Sáu trong số họ, ngoài hydroxychloroquine, còn được uống 500 miligam azithromycin mỗi ngày trong hai ngày đầu tiên để ngăn ngừa bội nhiễm, sau đó 250 miligam trong bốn ngày. Tất cả sáu bệnh nhân đều tiếp thu tốt kết hợp của hydroxychloroquine và azithromycin. Hàng ngày họ được đo điện tâm đồ để đảm bảo không xuất hiện tác dụng phụ đối với tim.
Ngay trong ngày thứ năm, ở cả sáu bệnh nhân, các xét nghiệm về coronavirus đều cho kết quả âm tính, kết quả này được xác nhận vào những ngày tiếp theo. Như vậy, tất cả các bệnh nhân mắc COVID-19 trong nhóm thử nghiệm đã được chữa khỏi hoàn toàn trong năm ngày.
Các nhà khoa học lưu ý rằng, mặc dù thực tế là nhóm thử nghiệm rất nhỏ và để xác nhận kết quả, cần phải tiến hành các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn hơn, tuy nhiên kết quả thu được là rất đáng khích lệ.
M.P
Tổng hợp