Chuyên gia lĩnh cái kết đau đớn khi trổ tài bắt rắn hổ chúa bằng tay không
(Dân trí) - Chuyên gia bắt rắn sử dụng tay không để khuất phục con rắn hổ chúa cỡ lớn, nhưng không may đã bị con vật cắn vào tay.
Jagad Muda là một chuyên gia bắt rắn nổi tiếng sống tại tỉnh Jawa Timur (Indonesia). Muda thường xuyên hỗ trợ người dân trong khu vực xử lý những con rắn bò vào nhà, bao gồm cả những con rắn cực độc.
Trên trang Facebook cá nhân của mình, Jagad Muda cũng hay chia sẻ những hình ảnh, video cho thấy anh chơi đùa cùng những con rắn độc, bao gồm cả những cá thể rắn hổ chúa với kích thước lớn.
Tuy nhiên, mới đây Jagad Muda đã gặp phải "tai nạn nghề nghiệp" khi đang đùa giỡn với một con rắn độc.
Theo đó, Jagad Muda đã có màn trình diễn mạo hiểm với rắn hổ chúa trước sự chứng kiến của rất đông khán giả. Muda không sử dụng bất kỳ dụng cụ chuyên dụng nào, thực hiện những động tác mạo hiểm với con rắn như hôn vào đầu, ngậm đầu con rắn vào miệng… bất chấp việc con rắn thể hiện thái độ hung hãn và tung ra những cú cắn chết người.
Khi anh này sử dụng tay nhẹ nhàng tiếp cận đầu con rắn độc thì bất ngờ bị con vật cắn chặt vào tay. Phản ứng bất ngờ của con rắn đã khiến Muda bị giật mình và sử dụng tay còn lại để gỡ con rắn ra.
Jagad Muda sau đó nhốt con rắn độc vào hộp đựng rồi nhanh chóng đến bệnh viện. May mắn, các bác sĩ đã kịp thời can thiệp để giúp cứu mạng của chuyên gia bắt rắn này.
"Một ngày xui xẻo khi mọi chuyện xảy ra không đúng như kế hoạch của anh ấy. Đây là lời cảnh báo, hãy luôn cảnh giác với những con rắn độc, ngay cả khi bạn là một chuyên gia giàu kinh nghiệm. Hy vọng mọi chuyện tốt lành sẽ đến", Ulo Sableng, một chuyên gia bắt rắn đồng thời là bạn thân của Jagad Muda chia sẻ trên trang Facebook cá nhân.
Hiện tình trạng sức khỏe của Jagad Muda đã dần hồi phục sau hơn một tuần được các bác sĩ chữa trị. Trên trang Facebook cá nhân của mình, Muda đã gửi lời cảm ơn đến những ai quan tâm đến tình trạng sức khỏe của anh và cho biết anh vẫn sẽ tiếp tục niềm đam mê với các loài rắn độc sau sự cố vừa xảy ra.
Hổ chúa là loài rắn độc lớn nhất thế giới, với chiều dài trung bình từ 3 đến 4m, có trường hợp ghi nhận rắn hổ chúa dài đến 6m. Loài rắn độc này sống chủ yếu ở các khu rừng mưa và đồng bằng của Ấn Độ, miền nam Trung Quốc và Đông Nam Á.
Nọc độc của rắn hổ chúa không phải là mạnh nhất trong số các loài rắn độc, nhưng lượng chất độc mà chúng sử dụng trong một cú cắn đủ để giết chết 20 người trưởng thành hoặc thậm chí một con voi. Nọc độc của rắn hổ chúa ảnh hưởng đến các trung tâm hô hấp ở não, gây ngừng hô hấp và suy tim.
Thức ăn của hổ chúa là các loài rắn khác, thậm chí loài rắn này có thể ăn thịt cả đồng loại. Vai trò của hổ chúa là kiểm soát số lượng rắn trong khu vực mà nó sinh sống. Hổ chúa được đánh giá là loài rắn khá nhút nhát, thường tìm cách lẩn trốn khi đối đầu với con người và chỉ tấn công trong trường hợp bị đe dọa hoặc bị kích thích.
Theo EJ/VPress