Chuyên gia chỉ ra nguyên nhân gây "mùa ô nhiễm không khí" ở Hà Nội
(Dân trí) - Hai tuần qua, Hà Nội thường xuyên được điểm danh trong top 10 thành phố có chỉ số ô nhiễm không khí gây hại cho sức khỏe, từ ứng dụng đo chất lượng không khí AirVisual.
Trước thực trạng này, phóng viên Dân trí đã có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT).
Theo chuyên gia, thời điểm này Hà Nội bắt đầu vào "mùa ô nhiễm không khí" gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ và người già có các bệnh liên quan đến hô hấp.
- Thưa Tiến sĩ, 2 tuần vừa qua tại Hà Nội, chỉ số ô nhiễm không khí AIQ luôn dao động ở mức 100-150, thậm chí có thời điểm lên đến 157, ông lý giải nào về hiện tượng đáng lo ngại này?
Thời gian gần đây, kết quả quan trắc chất lượng không khí từ các trạm của nhà nước và của một số ứng dụng giám sát chất lượng không khí như PAMAir hay AirVisual cho thấy Hà Nội có chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức có hại cho sức khỏe và ở một vài thời điểm, khi so sánh với những thành phố trên thế giới, còn ở mức ô nhiễm nhất nhì thế giới (theo AirVisual).
Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta không nên quá quan tâm vào chỉ số xếp hạng trên thế giới vì nó chỉ là tương đối ở một vài thời điểm và không phản ánh đúng bản chất của vấn đề.
Một điều không thể phủ nhận được là một số ngày trong thời gian gần đây, chỉ số AQI Hà Nội là cao, ô nhiễm không khí ở mức có hại cho sức khỏe. Nó phản ánh thực tế vào thời điểm này khi bước vào mùa đông Hà Nội được mọi người gọi một cái tên khác là "mùa ô nhiễm".
- Tiến sĩ có thể cho biết thêm về "mùa ô nhiễm Hà Nội"?
Tất cả mọi năm đều thế, mùa Đông ở Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc, nồng độ bụi PM2.5 rất cao trong nhiều ngày, nhiều đợt vì thế người dân nói đùa là "mùa ô nhiễm".
Đó là vì trong 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông thì mùa Đông là mùa có nhiều yếu tố làm gia tăng ô nhiễm, ví dụ gió lặng, nhiệt độ thấp, ít mưa, độ ẩm cao… làm giảm khuếch tán của không khí các chất ô nhiễm lưu cữu ở tầm thấp, không thoát lên cao hoặc ra các vùng khác được khiến nồng độ PM2.5 (bụi mịn) ngày càng tăng.
Như vậy, trong khi không giảm được các nguồn gây ô nhiễm không khí, lại vào đúng thời điểm mùa đông Hà Nội gặp những điều kiện thời tiết không thuận lợi sẽ làm tăng chỉ số AQI.
Lưu ý rằng, thời tiết không phải là nguyên nhân mà nó là tác nhân làm tăng giảm chỉ số AQI gây ô nhiễm không khí, và dự kiến tới đây chúng ta sẽ còn chứng kiến những đợt ô nhiễm nữa kéo dài suốt mùa Đông.
Có nhiều đợt sương mù, trời ẩm thấp khiến chúng ta cảm thấy khó chịu, nhiều người ho nhất là người già và trẻ em và người dân thường hay nghĩ do thời tiết. Thực ra, qua số liệu quan trắc, người ta thấy đó là những lúc có nồng độ PM2.5 khá cao và đương nhiên ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Nồng độ PM2.5 cao thường xảy ra vào thời gian nào trong ngày, thưa tiến sĩ?
Qua theo dõi, có nhiều ngày trong mùa Đông, nồng độ PM2.5 tăng cao, AQI đỏ thậm chí nâu vào sáng sớm từ 2h đến 6h sáng rất có hại cho sức khỏe. Người dân thường hay nghĩ việc tập thể dục buổi sáng là thời điểm không khí trong lành nhưng đây chính là thời điểm mà ô nhiễm không khí có hại cho sức khỏe.
- Môi trường trong nhà hay các văn phòng sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, thưa Tiến sĩ?
Chất lượng không khí trong nhà chắc chắn là khác ngoài trời, đặc biệt là điều kiện sống hiện nay khi cuộc sống của chúng ta đầy đủ hơn, các nhà đều có cửa kính, khi đóng kính sẽ hạn chế đáng kể ô nhiễm không khí từ ngoài vào.
Tuy nhiên, nhà không phải lúc nào cũng đóng, không khí vào trong nhà qua các kẽ hở và hệ thống thông gió nên chất lượng không khí ngoài trời chắc chắn cũng ảnh hưởng đến chất lượng không khí trong nhà. Mặt khác, có nhiều nguồn phát sinh ô nhiễm bụi PM2.5 ngay trong gia đình (ví dụ như nấu ăn, quét nhà …). Hiện nay nhiều gia đình, văn phòng đã trang bị những thiết bị lọc không khí như máy khử bụi, điều hòa để giảm thiểu nồng độ bụi trong nhà.
- Nói riêng về bụi mịn, một thành phần phổ biến trong không khí, ông có thể chia sẻ thêm về khái niệm này với độc giả và tại sao chúng ta gọi nó là "sát thủ" vô hình đối với sức khỏe con người?
Trong môi trường thì người ta phân biệt rất nhiều loại bụi như bụi tổng, bụi PM10, bụi PM2.5, bụi PM1, bụi nano. Chúng được phân loại dựa vào kích thước của loại bụi (đơn vị: micromet). Hiện nay, trên thế giới đang tập trung vào loại bụi PM2.5, chúng ta thường gọi là bụi mịn, có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet, tức là nhỏ hơn 1/30 sợi tóc của chúng ta. Bụi PM2.5 được gọi là sát thủ vô hình vì chúng có kích thước nhỏ, chứa nhiều thành phần độc hại, nên khi hít thở nó xâm nhập sâu vào phổi ảnh hưởng đến hệ hô hấp, máu, gây nhiều bệnh như nhồi máu tim, ung thư, …
Lưu ý rằng, loại bụi này không giống như bụi thô và những loại khẩu trang phổ thông không thể ngăn chặn.
Có 2 nguồn bụi mịn PM2.5, gồm sơ cấp, và thứ cấp. Bụi sơ cấp phát sinh trực tiếp từ hoạt động như từ các quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch, đốt rơm rạ sau thu hoạch, đốt rác, bụi đường, từ các công trường xây dựng... Loại thứ 2 là thứ cấp, được tạo ra thông qua các phản ứng hóa học từ một số hợp chất khác nhau có trong không khí.
- Trước tình trạng ô nhiễm không khí như hiện nay, tiến sĩ có đề xuất giải pháp nào để hạn chế vấn đề này.
Rõ ràng chúng ta thấy, nồng độ ô nhiễm không khí ngày càng tăng. Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí chủ yếu là từ các hoạt động của con người. Tùy theo từng địa phương, vùng khác nhau, người ta xác định nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra bụi. Ví dụ như các nguồn từ các cơ sở sản xuất xi măng, nhiệt điện, thép gây bụi rất nhiều. Cùng với đó, bụi mịn còn tạo ra từ việc người dân sử dụng các phương tiện giao thông chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, hoạt động xây dựng, đốt phụ phẩm nông nghiệp (rơm, rạ) sau khi thu hoạch hay trong chăn nuôi.
Chính vì thế, việc đầu tiên phải xác định được nguồn ô nhiễm, sau đó phải đề ra các biện pháp hiệu quả để kiểm soát, giảm thiểu bụi.
Nói riêng tại Hà Nội, chúng ta phải kiểm soát phát thải khí thải từ ô tô, xe máy, tăng cường các phương tiện giao thông xanh như xe chạy bằng nhiên liệu sạch, ô tô điện, xe máy điện hiện đã xuất hiện trên thị trường. Hay là khuyến khích sử dụng nhiều hơn phương tiện công cộng hơn như xe bus, xe điện trên cao, metro. Vấn đề nữa, chúng ta phải kiểm soát tốt việc đốt rác trong tự nhiên, che chắn kín những công trình xây dựng và kiểm soát thật chặt quá trình sản xuất công nghiệp.
- Thưa ông, nhà nước đã có những biện pháp giảm thiểu việc ô nhiễm không khí, tại sao chỉ số chất lượng không khí vẫn ở mức báo động?
Chúng ta đã có nhiều biện pháp để giải quyết vấn đề này nhưng vẫn chưa đủ, chưa quyết liệt. Từ lâu nhà nước cũng đã đưa ra nhiều biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí ví dụ như Hà Nội trồng cây xanh, dọn dẹp đường phố, xây dựng hệ thống xe bus công cộng hay những tuyến đường sắt đô thị.
Bên cạnh đó, chúng ta đã đưa vào sử dụng loại xăng E5, hay như xe bus sử dụng nhiên liệu sinh học CNG, các công trình xây dựng đã quây kín, hay là việc đốt than, đốt rơm rạ sau thu hoạch của người dân đã giảm.
Nhưng chất lượng không khí chưa được cải thiện, đó chính là do những biện pháp của các đơn vị quản lý chưa thực sự quyết liệt, chưa tới, dẫn tới lượng khí thải gây ô nhiễm ngày càng tăng.
- Người dân cần làm gì để góp phần giảm thiểu vấn đề ô nhiễm không khí như hiện nay, thưa ông?
Đầu tiên, người dân phải nâng cao nhận thức và kiến thức về ô nhiễm không khí, tác hại của bụi mịn và thường xuyên theo dõi chất lượng không khí trên các app điện thoại, website.
Điều này, giúp chúng ta có thể biết được khu vực mình đang sinh sống có ô nhiễm hay không, từ đó có những kế hoạch sinh hoạt phù hợp, hạn chế ra ngoài hay những hoạt động khác ngoài trời như việc tập thể dục buổi sáng vào những thời điểm ô nhiễm không khí.
Đồng thời, chúng ta phải có ý thức bảo vệ môi trường. Nhiều người dân hiện nay đã dùng xe máy điện. Trên đường phố xuất hiện ngày càng nhiều xe buýt chạy điện, chạy nhiên liệu sạch. Hay hôm nay tôi thấy trên báo đưa tin về việc người dân di chuyển trên đường sắt Cát Linh-Hà Đông đạt kỷ lục, lên đến 31.000 người/ngày thì đó là tín hiệu đáng mừng. Điều này, cho thấy chúng đang có thói quen sử dụng các phương tiện công cộng hơn.
Tôi nghĩ rằng, nếu mỗi người nhận thức và cùng nhau góp phần nhỏ vào việc bảo vệ môi trường, với dân số Hà Nội hiện nay khoảng 7-8 triệu người sẽ tạo ra sự cộng hưởng và chúng ta sẽ thu được kết quả rất là lớn.
- Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn!