Chuyên gia cảnh báo sau vụ cháy nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu
(Dân trí) - Zaporizhzhia - nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Ukraine và cũng là lớn nhất ở châu Âu có thể đối mặt nguy cơ rò rỉ phóng xạ dưới tác động của chiến sự.
Ngày 4/3, một đám cháy đã bùng lên tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya ở Ukraine sau khi cơ sở này bị lực lượng Nga bao vây.
Vụ hỏa hoạn tại nhà máy Zaporizhzhia ngay lập tức khiến người ta nhớ về sự cố thảm khốc xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl của Ukraine năm 1986. Trong thảm họa đó, hai vụ nổ liên tiếp bên trong nhà máy lò phản ứng đã lật nắp bảo vệ nặng 2.000 tấn, giải phóng bụi phóng xạ và các khối lò phản ứng trong bán kính 2600 km vuông xung quanh khu vực.
Được biết, nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia có tổng cộng 6 tổ máy phát điện, với tổ máy đầu tiên được kết nối với mạng lưới điện vào năm 1984 và tổ máy thứ 6 được kết nối vào năm 1995. Đây là nhà máy lớn nhất ở châu Âu, và hỗ trợ 1/5 tổng lượng điện năng được tạo ra ở Ukraine.
Tới nay, cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đã xác nhận vụ hỏa hoạn tại khu vực Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia không ảnh hưởng đến thiết bị "thiết yếu". Đài CNN cũng dẫn lời hai quan chức Nhà Trắng cho biết thông tin mới nhất cho thấy "không có dấu hiệu cho thấy mức độ phóng xạ tăng cao" tại khu nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine.
Có xảy ra thảm họa như tại Chernobyl?
Theo các nhà khoa học hạt nhân, bất chấp những điểm tương đồng đáng sợ giữa hai sự cố nhà máy điện hạt nhân, thì các lò phản ứng ở Zaporizhzhia vẫn an toàn hơn nhiều so với các lò ở Chernobyl.
Cụ thể, không giống như các lò phản ứng RBMK-1000 của Chernobyl, Zaporizhzhia sử dụng các lò phản ứng nước có áp suất hiện đại hơn. Cùng với đó là yêu cầu nhiên liệu uranium ít hơn đáng kể trong lõi lò phản ứng, do đó hạn chế khả năng xảy ra phản ứng dây chuyền.
Hai lớp bảo vệ - bộ phận ngăn bên ngoài bằng bê tông cốt thép và khối bên trong bằng thép dày 8 20 cm - cũng được bao quanh lò phản ứng. Cả hai lớp đều được thiết kế để chịu được động đất và các vụ nổ. Không chỉ vậy, lò phản ứng nước điều áp cũng có kiến trúc tự động tắt trong trường hợp khẩn cấp.
Mặc dù an toàn hơn nhiều so với những lò phản ứng ở Chernobyl, song các lõi lò phản ứng ở Zaporizhzhia vẫn chứa nhiều nhiên liệu có tính phóng xạ cao, và đây không phải là nguồn duy nhất đáng lo ngại.
Các nhà môi trường và các chuyên gia hạt nhân từ lâu đã cảnh báo rằng các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng của nhà máy - vốn được làm mát trong các bể nước lộ thiên và đặt ở các bãi đất trống, có thể tạo ra nhiều tia phóng xạ trong không khí và trở thành thảm họa nếu bị đạn pháo hoặc tên lửa bay lạc.
Ngoài ra theo ông Robin Grimes, Giáo sư vật lý vật liệu tại Đại học Hoàng gia London, một tai nạn không lường trường như vô tình chọc thủng các vỏ đôi của lò phản ứng Zaporizhzhia dù không dẫn đến một vụ nổ nghiêm trọng như ở Chernobyl, nhưng nó vẫn sẽ giải phóng rất nhiều vật chất nguy hiểm.
"Các nhà máy điện không được thiết kế để chịu được sức nổ như đạn pháo", Grimes cảnh báo. "Nếu để xảy ra một sự cố vỡ bình áp suất, sẽ dẫn tới việc giải phóng áp suất chất làm mát, đồng thời phát tán các mảnh vỡ của nhiên liệu hạt nhân khắp vùng lân cận của nhà máy".
Trước đó, ông Jeffrey Lewis, Giám đốc Chương trình Không phổ biến vũ khí hạt nhân Đông Á tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin (Mỹ) cũng cho rằng nếu đám cháy phá vỡ cấu trúc ngăn lửa của lò phản ứng, đó là lúc nó có thể trở nên nguy hiểm.
"Nỗi lo lớn nhất là khu vực bảo vệ (lò phản ứng hạt nhân) sẽ bị phá hủy bởi các vụ nổ lớn, như bom, tên lửa", ông Lewis cho biết.
Ông James Acton, đồng giám đốc Chương trình Chính sách Hạt nhân tại Quỹ Carnegie về hòa bình quốc tế, cũng cho rằng, mối lo ngại lớn nhất là đám cháy có thể làm gián đoạn hệ thống làm mát của các lò phản ứng. "Nếu chúng không thể tự làm mát, các thanh nhiên liệu bên trong có thể quá nóng và tan chảy", ông nói.