Chụp ảnh “tự sướng” sẽ không khiến bạn trở thành một người mắc chứng ái kỷ

(Dân trí) - Theo một nghiên được công bố năm 2016, có khoảng 93 triệu bức ảnh “tự sướng” được đăng tải mỗi ngày. Có nhiều lời chỉ trích về văn hóa chụp ảnh tự sướng và cho rằng việc này chỉ nuôi dưỡng làm cho con người bị bệnh ái kỷ nhiều hơn.

Chụp ảnh “tự sướng” sẽ không khiến bạn trở thành một người mắc chứng ái kỷ - 1

Thật vậy, một người thường thích chụp ảnh tự sướng rất dễ bị gắn nhãn chỉ biết quan tâm đến mình. Tuy nhiên, một nghiên cứu nhỏ mới lại phát hiện ra rằng những người thích chụp ảnh “tự sướng” không hẳn là bị mắc chứng ái kỷ.

Thay vào đó, các nhà nghiên cứu thấy rằng những người thích chụp ảnh “tự sướng” thường rơi vào 3 trường hợp: nhà truyền thông, người thích thể hiện bản thân hoặc thích tự kể chuyện về mình.

Đồng tác giả của nghiên cứu này, Steven Holiday tới từ Đại học Brigham cho biết “điều quan trọng là thấy rằng không phải tất cả những ai “chụp ảnh tự sướng” đều bị mắc bệnh ái kỷ”

Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã phỏng vấn 46 người tham dự, gần 75% trong số đó là phụ nữ. Những người này có độ tuổi từ 18 tới 45, và tất cả đều đã chụp vài bức ảnh “tự sướng” trong quá khứ. Họ được đọc 50 lời tuyên bố và sau đó cho biết họ đồng ý, không đồng ý hoặc có ý kiến trung lập về các tuyên bố đó. Tất cả các lời tuyên bố này đầu bắt đầu bằng cụm từ “Tôi chụp và chia sẻ những bức ảnh “tự sướng”…” - ví dụ như “tôi chụp và chia sẻ các bức ảnh “tự sướng” vì tôi muốn mọi người ấn tượng với vẻ ngoài của mình”, hoặc “tôi chụp và chia sẻ các bức ảnh “tự sướng” để chia sẻ một phần cuộc sống của mình với những người khác”.

Sau đó, các nhà nghiên cứu đã hỏi những người tham dự để đánh giá các lời tuyên bố đó về mức độ tương đồng giữa chúng với niềm tin của chính bản thân họ, theo thang điểm 11. Thang điểm này dao động từ “giống với niềm tin của tôi nhất” (+5) cho đến “không giống với niềm tin của tôi nhất (-5).

Cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu những người tham gia lựa chọn các tuyên bố mà họ tin nhiều nhất và ít nhất.

Các nhà nghiên cứu thấy rằng, phả ứng của những người tham gia nhìn chung rơi vào 3 dạng: nhà truyền thông, người thích thể hiện bản thân hoặc người thích tự kể chuyện về mình.

Nhà truyền thông

Những người truyền thông “chủ yếu chụp và chia sẻ ảnh “tự sướng” để tham gia vào một cuộc trò chuyện”. Những người này thường có xu hướng tin vào các tuyên bố tập trung vào việc giới thiệu và chia sẻ thông tin với người khác. Chẳng hạn như, nhóm tuyên bố mà những người truyền thông đồng tình nhiều nhất là “tôi chụp và chia sẻ ảnh để cho mọi người biết tôi đang ở đâu” và “cho mọi người biết tôi đang làm gì”

Những người truyền thông cũng rất rõ ràng rằng họ sử dụng các hình ảnh tự sướng của mình để tham gia vào cuộc giao tiếp hai chiều. Thật vậy, những người truyền thông tin tưởng mạnh mẽ vào các tuyên bố về việc sử dụng ảnh “tự sướng” để hòa nhập và giao tiếp theo một cách thức mới đầy thú vị.

Người thích tự giới thiệu về bản thân

Tương tự với các nhà truyền thông, những người thích thể hiện bản thân dùng các hình ảnh “tự sướng” để thể hiện và chia sẻ về các sự kiện và địa điểm, tuy nhiên “nhóm này mong muốn đặt bản thân vào trọng tâm của bức ảnh và luôn kiểm soát hình ảnh cá nhân”. Chẳng hạn như, họ đồng ý với các tuyên bố “tôi muốn chụp và chia sẻ ảnh “tự sướng” khi tôi nghĩ mình đẹp”, và “tôi muốn chụp và chia sẻ ảnh “tự sướng” vì tôi đã kiểm soát được vẻ bề ngoài của mình”.

Việc những người thích thể hiện bản thân cũng mạnh mẽ phản đối các tuyên bố “tôi chụp và chia sẻ hình ảnh vì là một phần của cuộc trò chuyện” cho thấy rằng khác với những người thuộc nhóm truyền thông, họ không sử dụng hình ảnh “tự sướng” để tham gia vào các cuộc giao tiếp với người khác.

Theo nghiên cứu này, những người thích thể hiện bản thân cũng có xu hướng đặt mình tách biệt với mọi người. Chẳng hạn như, hai tuyên bố mà họ rất phản đối – “tôi muốn chụp và chia sẻ ảnh “tự sướng” để giả vờ là một người khác” và ”tôi muốn chụp và chia sẻ ảnh “tự sướng” để cho cả thế giới thấy rằng một người bình thường trông như thế nào” – cho thấy rằng họ thể hiện chính bản thân mình, nhưng họ cũng xem mình khác biệt với đám đông.

Những người thích tự kể truyện

Những người này sử dụng các bức hình “tự sướng” để viết lại về chính bản thân mình. Thật vậy, các tuyên bố phù hợp nhất với niềm tin của họ là “tôi muốn chụp và chia sẻ ảnh “tự sướng” để có thể lưu lại những ký ức của mình” và “tôi muốn chụp và chia sẻ ảnh “tự sướng” để tự lưu lại các tài liệu về bản thân mình”.

Không giống với những người truyền thông và người thích thể hiện, những người thích tự kể truyện không đồng ý với việc sử dụng ảnh “tự sướng” để cho người khác thấy những gì mình đang làm. Thay vào đó, họ đồng ý với các tuyên bố như “tôi muốn chụp và chia sẻ ảnh “tự sướng” để cho cả thế giới biết tôi là ai”. Một tuyên bố khác mà những người thích tự kể truyện rất tâm đắc là “tôi muốn chụp và chia sẻ ảnh “tự sướng” để học cách chấp nhận mình là ai”, điều này cho thấy họ sử dụng các hình ảnh “tự sướng” để trải nghiệm việc tự khám phá bản thân.

Anh Thư (Tổng hợp)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm