1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Chuột thí nghiệm được sống trong “ngôi nhà thông minh”

(Dân trí) - Các nhà khoa học đã sáng chế một “ngôi nhà thông minh” dành cho chuột thí nghiệm, giúp các nhà khoa học quan sát hành vi của những con chuột thí nghiệm trong khi hạn chế các mức nhiễu loạn.

Chuột thí nghiệm được sống trong “ngôi nhà thông minh” - 1

Các nhà nghiên cứu đang làm việc không ngừng để đảm bảo các yếu tố bên ngoài và ảnh hưởng bên ngoài, như sự xuất hiện của một nhà khoa học, không ảnh hưởng tới kết quả thí nghiệm. Các nhà thiết kế “ngôi nhà” này khẳng định hệ thống “Autonomouse” của họ sẽ cải thiện được sức khỏe của chuột thí nghiệm, trong khi đảm bảo sự nhất quán cao hơn qua các kết quả thí nghiệm khác nhau.

Andreas Schaefer, nhà nghiên cứu khoa học thần kinh tại Viện Francis Crick ở Anh, cho biết: “Chúng tôi muốn hiểu rõ não bộ hoạt động như thế nào, và vì thế chúng tôi cần đánh giá hành vi. Ở loài chuột, điều này thường được thực hiện một cách rất thủ công và gian khổ, làm hạn chế lượng câu hỏi chúng tôi có thể đặt ra. Nên chúng tôi đã nghĩ tới một cách thực hiện hiệu quả hơn bằng cách để những con vật tự huấn luyện bản thân”.

Chuột thí nghiệm được sống trong “ngôi nhà thông minh”

 

Schaefer và các đồng nghiệp đã trang bị cho căn nhà thông minh dành cho chuột của họ một nguồn cung cấp thức ăn và nước vô hạn, cũng như rất nhiều trò tiêu khiển, bao gồm bánh xe chạy và thang. Mỗi “cư dân” được gắn một vi mạch cho phép các nhà khoa học giám sát từ xa mức độ hoạt động, cân nặng và lượng tiêu thụ nước của lũ chuột.

Vi mạch này cũng cho phép các nhà khoa học tách các cá thể chuột cho các bài tập và rèn luyện. Khi một con chuột tiến vào phòng kiểm tra hoặc huấn luyện, vi mạch khiến cánh cửa đóng lại, giữ các con chuột khác ở bên ngoài. Vi mạch này cũng ghi lại kết quả từng bài kiểm tra riêng biệt. Các kết quả kiểm tra được nối với từng con chuột một.

Schaefer cho biết: “Làm việc với một bầy chuột không bị áp lực, sống thành nhóm, tự huấn luyện bản thân vào giờ giấc phù hợp với chúng, mà không có sự can thiệp của các nhà nghiên cứu trong thời gian dài, khiến thí nghiệm của chúng tôi hiệu quả hơn và tốt hơn”.

Lộc Xuân (Theo UPI)