1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Chủng virus Herpes đã có từ 5.000 năm trước?

Nam Đoàn

(Dân trí) - Theo các tác giả của một nghiên cứu gần đây, chủng virus Herpes hiện đại gây ra mụn rộp ở mặt đã có từ khoảng 5.000 năm trước.

Chủng virus Herpes đã có từ 5.000 năm trước? - 1
Một trong những mẫu DNA Herpes cổ đại được sử dụng trong nghiên cứu là của một người đàn ông từ 26 đến 35 tuổi, được phát hiện trên bờ sông Rhine (Ảnh: Barbara Veselka). 

Christiana Scheib, tác giả của nghiên cứu giải thích: "Chúng tôi có thể xác định rằng, tất cả các biến thể của các chủng hiện đại đều có từ một thời kỳ nhất định, đó là vào cuối thời kỳ đồ đá mới, đầu thời đại đồ đồng".

Do đó, loại virus Herpes hiện tại sẽ chỉ có 5.000 năm tuổi, thấp hơn so với tưởng tượng: "Hơi ngạc nhiên vì người ta cho rằng Herpes cùng tiến hóa với con người trong một thời gian rất dài", một chuyên gia về DNA cổ đại tại Đại học Cambridge, Vương quốc Anh cho biết.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trái Đất có khoảng 3,7 tỷ người bị nhiễm virus HSV-1 gây ra bệnh mụn rộp ở mặt. Tuy nhiên, lịch sử của loại virus này và cách thức lây lan của nó vẫn còn rất ít người biết đến.

Nhóm nghiên cứu do nhà khoa học Christiana Scheib dẫn đầu đã kiểm tra ADN răng của hàng trăm người từ những phát hiện khảo cổ cổ đại, trong số đó, chỉ có bốn người mang virus Herpes. 

Các chuyên gia đã xác định được thời điểm hiện thân của nó xuất hiện bằng cách sắp xếp trình tự bộ gen của chúng. 

Con người có lẽ đã sống chung với mụn rộp lâu hơn nữa. Người ta có thể tưởng tượng rằng, một chủng vi khuẩn trước đó có lẽ đã lưu hành giữa con người khi họ lần đầu tiên rời châu Phi cách đây hàng triệu năm. Nhưng phải đến thời gian tương đối gần đây, nó mới có được hình dáng hiện tại.

Chủng virus Herpes đã có từ 5.000 năm trước? - 2

Một trong những mẫu DNA Herpes cổ đại là của một thanh niên trưởng thành từ cuối thế kỷ 14, được chôn cất trong khuôn viên Bệnh viện Từ thiện Trung cổ của Cambridge (sau này trở thành Đại học St. John), anh ta bị áp xe răng khủng khiếp (Ảnh: Craig Cessford).

Làm thế nào để giải thích sự thay đổi này? Giả thuyết đầu tiên của các nhà nghiên cứu là khoảng 5.000 năm trước, loài người đang trong thời kỳ di cư lớn từ Âu-Á sang Châu Âu, và sự di chuyển này có thể đã ảnh hưởng đến virus. 

Một giả thuyết khác do sự phát triển của mụn rộp trên mặt trong thời kỳ đồ đá mới được phát hiện trong DNA cổ đại có thể trùng hợp với một tập tục văn hóa mới, nụ hôn lãng mạn và tình dục. 

Nụ hôn lãng mạn có thể là con đường lây lan virus

Christina Scheib cho biết: "Bằng chứng văn bản bắt đầu xuất hiện từ thời kỳ đồ đồng về những nụ hôn lãng mạn, đây có thể đã thay đổi cách thức lây lan của virus".

Đề cập đầu tiên về nụ hôn được tìm thấy trong một bản thảo từ Nam Á vào thời đại đồ đồng, cho thấy rằng tập tục này có thể đã được truyền sang châu Âu sau này. 

Nhà khoa học giải thích, virus Herpes ở mặt thường được truyền từ cha mẹ sang con cái, nhưng nụ hôn sẽ mang lại cho nó một cách mới để truyền từ vật chủ này sang vật chủ khác. 

Charlotte Houldcroft, đồng tác giả khác của nghiên cứu tại Đại học Cambridge chỉ ra rằng, một loại virus như Herpes tiến hóa trên quy mô thời gian lớn hơn nhiều so với virus gây ra đại dịch Covid-19. 

Bà nói: "Virus gây ra mụn rộp ở mặt ẩn trong vật chủ của nó suốt đời và chỉ lây truyền khi tiếp xúc bằng miệng, vì vậy các đột biến xảy ra chậm trong nhiều thế kỷ, thậm chí hàng thiên niên kỷ". 

Theo Houldcroft, trước đây, dữ liệu di truyền về mụn rộp chỉ có từ năm 1925, đồng thời bà kêu gọi "điều tra sâu hơn" để hiểu sự tiến hóa của virus.

Nhà nghiên cứu này cho biết, chỉ có các mẫu gen có niên đại hàng trăm năm, nếu không phải hàng nghìn năm, mới có thể hiểu được cách thức các virus DNA như Herpes hoặc bệnh đậu mùa ở khỉ, cũng như hệ thống miễn dịch của chúng ta thích nghi với nhau.

Theo www.sciencesetavenir.fr