Chúng ta sẽ sớm có thể nghe được âm thanh từ Sao Hỏa

Hoài Anh

(Dân trí) - Vào ngày 30/7, tàu Perseverance của NASA hy vọng sẽ có thể tham gia vào hành trình đến Hành tinh Đỏ cùng với tàu Hope (Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất) và tàu Tianwen-1 (Trung Quốc).

Sau khi hạ cánh xuống miệng núi lửa Jezero của hành tinh (dự kiến vào ngày 18/02/2021), tàu vũ trụ sẽ bắt đầu điều tra địa chất xung quanh Sao Hỏa và cuối cùng đánh giá khả năng sinh sống trong quá khứ của hành tinh này.

Chúng ta sẽ sớm có thể nghe được âm thanh từ Sao Hỏa - 1

Nhưng nhiệm vụ sẽ còn thực hiện một loạt các hoạt động khác nữa. Và trong khi máy bay trực thăng Sao Hỏa Ingenuity (phương tiện bay đầu tiên được gửi đến một thế giới khác) đang thu hút được nhiều sự chú ý, một dự án đang được thảo luận khác cũng sắp sửa được công bố.

Lần đầu tiên, hai micrô trên tàu Perseverance sẽ thu được âm thanh từ bộ phận giảm tốc của robot thám hiểm tự hành được gửi xuống hành tinh này từ trước và cuối cùng là âm thanh của chính Sao Hỏa.

Mục tiêu sử dụng của hai thiết bị này rất đa dạng, từ việc giúp các nhà khoa học xác định thành phần của đá bằng cách ghi lại các âm thanh bật lên cho đến kiểm tra bảo trì các bộ phận của robot thám hiểm tự hành. Nhưng có lẽ sức hấp dẫn lớn nhất của chúng là thu được câu trả lời được chờ đợi từ lâu về âm thanh của Sao Hỏa.

Cuộc hành trình lắng nghe âm thanh của Sao Hỏa không hề dễ dàng. Ít nhất đã có ba dự án được thực hiện kể từ năm 1999 để gửi micro lên Sao Hỏa, nhưng không có dự án nào thành công.

Tuy nhiên, các micrô được tích hợp vào Perseverance (trong cả hệ thống Cửa vào - Entry, Giảm tốc - Descent và Hạ cánh - Landing thuộc tàu vũ trụ cùng công cụ khoa học SuperCam nằm trên "đầu" của nó) không thay đổi nhiều so với khi chúng được thiết kế lần đầu tiên cho robot Mars Polar Lander xấu số của NASA vào năm 1999 – vẫn giữ nguyên dạng hộp nhỏ gọn, nặng khoảng 30 gram.

Chúng ta sẽ sớm có thể nghe được âm thanh từ Sao Hỏa - 2

Các micrô (vòng tròn xanh) được tích hợp vào tàu Perseverance. 

Louis Friedman, người đồng sáng lập Hiệp hội hành tinh và là người thúc đẩy việc phát triển Microphone Sao Hỏa, đã chia sẻ trong một tuyên bố, “Tôi đặt hy vọng vào nhiệm vụ này như đã từng đặt hy vọng vào Mars Polar Lander! Quan điểm của tôi về vấn đề đó chưa từng thay đổi bởi vì bất cứ khi nào chúng ta nhìn thấy bức ảnh đầu tiên, hoặc dữ liệu đầu tiên từ bất kỳ nhiệm vụ nào, nó luôn luôn rất thú vị. Chờ đợi âm thanh đầu tiên gửi từ Sao Hỏa cũng sẽ thú vị không kém.”

Mặc dù quan điểm cũ “trong không gian, không ai có thể nghe thấy bạn hét” rất phổ biến nhưng quan điểm này không hoàn toàn chính xác. Âm thanh là một sóng cơ học đòi hỏi phải có một phương tiện truyền qua, do đó đúng là nó không thể lan truyền qua môi trường chân không.

Tuy nhiên, mặc dù không gian vô cùng trống rỗng, nó không hoàn toàn là chân không. Vẫn có những hạt rải rác xung quanh có thể truyền sóng âm, đặc biệt là ở những vùng dày đặc hơn xung quanh các hành tinh.

Trên bề mặt sao Hỏa, áp suất khí quyển nhỏ, chưa đến 1% áp suất mực nước biển Trái đất. Tuy nhiên, ngay cả ở áp suất này, tín hiệu âm thanh trong phạm vi tần số nghe của con người có thể được phát hiện. Chúng ta sẽ có thể nghe thấy những cơn gió xoáy, một loại sét trong bão cát, hoặc một âm thanh hoàn toàn bất ngờ nào đấy không? Chỉ có thời gian mới trả lời được, và không còn lâu nữa.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm