Chứng cứ khoa học của những truyền thuyết chúng ta thường nghe (phần 1)

(Dân trí) - Sẽ thế nào khi khững truyền thuyết mang đầy màu sắc thần bí như: “Trận đại hồng thủy”, “Người sói” hay “Người khổng lồ”, được nhìn nhận dưới góc độ khoa học?

Trận đại hồng thủy

Chứng cứ khoa học của những truyền thuyết chúng ta thường nghe (phần 1) - 1

Trận đại hồng thủy và con thuyền của Noah là một trong những truyền thuyết được biết đến nhiều nhất trên thế giới. Câu chuyện mang màu sắc thần bí này thậm chí còn trở thành cảm hứng cho không ít các bộ phim điện ảnh cũng như hoạt hình.

Ở góc độ khoa học, truyền thuyết về trận đại hồng thủy được cho là xuất phát từ một trận lũ lớn ở bờ biển Đen, diễn ra vào khoảng 10.000-15.000 năm về trước. Ngoài ra, để tăng thêm tính thuyết phục cho giả thiết này, các nhà khảo cổ học còn chỉ ra rằng, tại địa điểm nơi trận lũ lịch sử xảy ra, từng tồn tại một thác nước khổng lồ với lưu lượng nước gấp 200 lần thác Niagara hiện tại. Chính sự có mặt của thác nước này đã làm tăng độ dữ dội của trận lũ, khiến các tác động của nó, theo ước tính, có thể kéo dài đến 300 ngày.

Người khổng lồ

Chứng cứ khoa học của những truyền thuyết chúng ta thường nghe (phần 1) - 2

Người khổng lồ là một nhân vật được xuất hiện trong những câu chuyện truyền miệng từ lâu đời, ở rất nhiều nước trên thế giới. Trong đó, đảo Ireland có lẽ là khu vực nổi tiếng nhất về nhân vật kỳ bí này.

Theo giáo sư khoa nội tiết Márta Korbonits, những mẩu chuyện xuất hiện nhan nhản ở đảo Ireland về người khổng lồ có lẽ đã xuất phát từ một đột biến gen, mà người dân sinh sống trên đảo này hay mắc phải. Cụ thể, cứ vài trăm người ở đảo Ireland thì có một người sở hữu đột biến ở gen AIP, vốn gây rối loạn sự hoạt động của hệ nội tiết, khiến bệnh nhân phát triển kích thước cơ thể nhanh một cách bất thường.

Mặc dù những người bị đột biến gen AIP không thể cao bằng cả tòa nhà hay tạo nên một hòn đảo chỉ với nắm cát ở tay, nhưng kích thước dị thường của họ có lẽ đã khiến người xưa hoảng sợ. Từ đó, tạo nên những truyền thuyết về người khổng lồ được kể lại cho đến ngày nay.

Người sói

Chứng cứ khoa học của những truyền thuyết chúng ta thường nghe (phần 1) - 3

Các nhà khoa học đã đưa ra hai luồng giả thiết chính về truyền thuyết người sói. Giả thiết thứ nhất cho rằng, các bộ lạc thời xa xưa, khi còn sống ở trong rừng và phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, thường choàng những bộ da của loài động vật mà họ muốn mượn linh hồn để mạnh mẽ hơn.

Do đó, sói là con vật được các chiến binh trong bộ lạc cực kỳ ưa thích, và những người đàn ông cường tráng khoác lên mình tấm da chó sói làm kẻ thù khiếp sợ, có lẽ là khởi nguồn của hình tượng người sói. Giả thiết thứ hai được xây dựng dựa trên một căn bệnh di truyền có tên hypertrichosis hay còn được gọi là “hội chứng người sói”.

Cụ thể, người mắc phải hypertrichosis sẽ có các lớp lông dày mọc bất thường trên khắp cơ thể và thậm chí là ở mặt. Thời xa xưa, khi nhận thức còn thấp, có lẽ mọi người đã cho rằng, những bệnh nhân hypertrichosis chính là người sói.

Thảo Vy

Theo BS

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm