Chùa Kỳ Quang 2 bị thất lạc di ảnh: Có giám định được ADN từ mẫu tro cốt?
(Dân trí) - Liên quan đến các hũ tro cốt gửi tại chùa bị rơi di ảnh, trụ trì chùa Kỳ Quang 2 cho biết sẽ phối hợp với cơ quan chức năng xét nghiệm ADN để xác định lại. Vậy việc thực hiện này có khả thi?
Như chúng ta đã biết, ADN đó là Axit DeoxyriboNucleic, nó tồn tại trong nhân tế bào, nhiễm sắc thể để lưu trữ thông tin di truyền của con người và sinh vật. Một đoạn ADN sẽ mang thông tin di truyền (gen) với một nửa được thừa hưởng từ bố và nửa kia sẽ được thừa hưởng của mẹ.
Hiện nay, giám định ADN có 2 loại đó là: giám định để xác định mối quan hệ huyết thống và giám định pháp y.
Giám định để xác định mối quan hệ huyết thống - Giám định ADN là phân tích và so sánh đoạn ADN đã tách chiết được từ tế bào trong cơ thể như máu, mô, chân tóc, tinh dịch hay dấu vết sinh học có chứa ADN đã để lại trên hiện trường… nhằm truy tìm tung tích nạn nhân, thủ phạm hay xác định quan hệ huyết thống.
Giám định pháp y - Phương pháp giám định ADN với mục đích xác định huyết thống trong những vụ việc dân sự, hình sự, danh tính của hài cốt liệt sĩ, mồ mả bị thất lạc, những nạn nhân bị chết trong các trận thiên tai, thảm họa hoặc với mục đích xin thị thực di dân.
Hiện nay, người ta có thể tiến hành giám định ADN bằng cách sử dụng những loại tế bào như máu, mô, móng tay, móng chân, xương, răng, chân tóc, cuống rốn, tế bào niêm mạc,… Tất cả các xét nghiệm với những loại tế bào này đều cho ra cùng một độ chính xác như nhau bởi tất cả các tế bào của cùng 1 cơ thể sẽ là cùng một loại ADN.
Có thể nói rằng loại mẫu nào khi giám định ADN cũng đều cho kết quả chính xác. Nhưng sự khác biệt giữa các mẫu đó là khâu tách chiết ADN. Những mẫu khác nhau thì sẽ có một quy trình tách chiết khác nhau. Vậy với các mẫu là tro cốt thì liệu có giám định được ADN?
Theo Thạc sĩ Hoàng Hà – Phụ trách Trung tâm giám định ADN – Viện Công nghệ Sinh học – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thì việc giám định bằng tro cốt là chưa có tiền lệ, bản thân trung tâm nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực này nhưng cũng chưa bao giờ giám định ADN từ mẫu tro cốt. Về lý thuyết thì sẽ rất khó bởi mẫu đã bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao nên độ toàn vẹn của DNA không còn nữa, thậm chí là mất hết.
“Việc này phụ thuộc vào từng mẫu, cũng như việc hỏa táng thực hiện như thế nào. Chính vì thế chúng ta cần phải thực hiện những xét nghiệm để đánh giá xem có tách chiết được ADN được hay không, lúc này mới có thể nhận định là có phân tích được mẫu hay không. Chúng ta nên nhớ là khâu tách chiết thì có thể làm được nhưng ADN có đủ tốt để cho mình phân tích với gia đình được nữa hay không là một chuyện hoàn toàn khác. Nếu ADN không đủ tốt thì chúng ta cũng không thể xác định được”, Thạc sỹ Hà nói.
Trong khi đó, các chuyên gia về ADN khác cũng nhận định, nếu cơ thể cháy thành tro thì rất khó (gần như là không thể) để xét nghiệm ADN là của ai.
Cơ thể nếu bị đốt thành tro và cháy thành bột trắng thì không còn khả năng xét nghiệm ADN vì xương cốt biến thành tro tức là không ở dạng hữu cơ nữa.