Chú vẹt chiến thắng 21 sinh viên Harvard trong trò chơi trí nhớ kinh điển
(Dân trí) - Vẹt xám châu Phi (Psittacus erithacus) có thể sống hơn 50 năm, ghi nhớ hàng tá từ tiếng Anh và, nếu có cơ hội, sẽ có thể vượt qua rất nhiều sinh viên Harvard trong Trò chơi Shell cổ điển.
Chà, dù sao thì ít nhất có một con vẹt xám có thể làm những điều đó. Tên nó là Griffin, và nó là đối tượng chính của một nghiên cứu gần đây.
Các nhà nghiên cứu đã thách thức Griffin thực hiện một nhiệm vụ ghi nhớ mà trong đó, nó phải tìm ra quả pom-pom đầy màu sắc được giấu dưới một chiếc cốc nhựa sau khi bị xáo trộn quanh bàn nhiều lần (hay còn gọi là Trò chơi Shell). Cùng lúc đó, 21 sinh viên Harvard được giao nhiệm vụ tương tự - và Griffin đạt được kết quả ngang bằng hoặc vượt trội so với họ trong 12/14 thử nghiệm.
Hrag Pailian, tác giả của nghiên cứu, đồng thời là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Harvard, đã chia sẻ với tờ Harvard Gazette rằng: "Hãy suy nghĩ về nhận định: Vẹt xám vượt trội hơn sinh viên đại học Harvard. Thật sự là điều này quá mức kỳ lạ. Chúng tôi đã mời đến những sinh viên ngành kỹ thuật, tiền y khoa, có cả những sinh viên năm 4, nhưng nó đều đánh bại tất cả bọn họ."
Công bằng mà nói, Griffin không phải là một con vẹt bình thường. Theo các tác giả nghiên cứu, con chim 22 tuổi này "đã trở thành đối tượng của các nghiên cứu về nhận thức và giao tiếp, kể từ khi nó được mua lại từ một nhà lai tạo lúc 7,5 tuần tuổi."
Người quản lý và đồng thời là mẹ nuôi của Griffin, Irene Pepperberg - nhà tâm lý học Harvard, đồng tác giả của bài báo mới - trước đây đã dạy nó tái tạo khoảng 30 từ tiếng Anh và hiểu ít nhất 40 từ, bao gồm cả tên của màu sắc. Như vậy, Griffin không cần bất kỳ huấn luyện đặc biệt nào để học Trò chơi Shell - Pepperberg chỉ cần làm mẫu một vài vòng cho nó, tương tự như những gì cô làm cho các đối thủ cạnh tranh là con người của Griffin.
Bên cạnh các sinh viên đại học Harvard, 21 trẻ nhỏ (từ 6 đến 8 tuổi) cũng được mời đến để tham gia Trò chơi Shell. Tất cả những đối tượng tham gia trưởng thành (cả người và chim) đã hoàn thành 120 vòng của trò chơi (những em nhỏ hoàn thành 36 vòng), trải dài trong suốt 14 thử nghiệm, thử nghiệm sau sẽ khó hơn thử nghiệm trước.
Lúc đầu, đối tượng tham gia được yêu cầu ghi nhớ các vị trí của hai quả pom-pom được giấu dưới hai chiếc cốc không bao giờ di chuyển. Đến cuối ngày, đối tượng phải theo dõi bốn quả pom-pom có màu khác nhau dưới bốn cốc, được xáo trộn bốn lần.
Sau khi xáo trộn, đối tượng được cho nhìn một quả pom-pom từ một nhóm khác và được yêu cầu tìm quả có màu trùng với quả đó bên dưới cốc.
Griffin có thể tìm thấy pom-pom mục tiêu với độ chính xác cao hơn nhóm trẻ em trong tất cả 14 thử nghiệm. Trong khi hiệu suất của các sinh viên Harvard bắt đầu giảm trong các thử nghiệm ba quả pom-pom bị xáo trộn ba hoặc bốn lần, Griffin tiếp tục đạt mục tiêu 100%.
Chỉ đến cuối ngày, khi bốn quả pom-pom bị xáo trộn ba hoặc bốn lần, độ chính xác của Griffin cuối cùng cũng giảm xuống. (Các sinh viên cũng bị suy giảm đáng kể về độ chính xác, mặc dù không nhiều như Griffin).
Nghiên cứu về bộ não chim này cho chúng ta biết gì về sức mạnh của nhận thức? Theo các nhà nghiên cứu, cả vẹt và những đối tượng tham gia là con người đều sử dụng một tính năng của ký ức, được gọi là "thao tác" để thành công trong các nhiệm vụ này.
Họ không chỉ có thể nhớ những quả pom-pom nào ở dưới cốc nào khi họ không nhìn thấy, mà sau đó họ còn có thể điều khiển thông tin đó khi những chiếc cốc bị xáo trộn xung quanh. Việc một con vẹt thực hiện ngang tầm với 42 đối thủ cạnh tranh là con người cho thấy rằng thao tác là một khả năng cổ xưa tiến hóa, có thể đã tồn tại trong một tổ tiên chung từ hàng triệu năm trước.
Hoài Anh
Theo Live Science