Chính thức ra mắt Mạng Thông tin Á – Âu Asi@Connect
(Dân trí) - Sáng 15/8, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) và và Trung tâm Hợp tác Mạng thông tin Á – Âu đã tổ chức Lễ khai trương dự án Asi@Connect tại Việt Nam. Dự án nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng nghiên cứu và đào tạo Việt Nam.
Dự án Asi@Connect cung cấp Mạng Thông tin Á – Âu (TEIN) có lưu lượng băng thông lớn, chất lượng cao, phi thương mại và chuyên dụng cho các hoạt động hợp tác nghiên cứu và đào tạo tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đồng thời hỗ trợ cổng kết nối tới các mạng nghiên cứu và đào tạo tại châu Âu và các khu vực khác trên thế giới. Mạng Thông tin Á – Âu trải qua 05 giai đoạn hình thành và phát triển, bao gồm: TEIN (2000 – 2006); TEIN 2 (2004 – 2008); TEIN 3 (2008 – 2012); TEIN 4 (2012 – 2016) và hiện tại là Asi@Connect (2016 – 2023).
Phát biểu tại Lễ khai trương dự án Asi@Connect tại Việt Nam trong sáng nay, Tiến sĩ Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia khẳng định: “Lễ khai trương dự án Asi@Connect tại Việt Nam đánh dấu sự khởi đầu của một chương mới trong hoạt động hợp tác nghiên cứu tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
“Với việc dự án được xây dựng dựa trên các thành quả tích cực từ các giai đoạn trước, Asi@Connect sẽ góp phần thúc đẩy kết nối số giữa các quốc gia trong và ngoài khu vực ở tốc độ nhanh hơn; triển khai các dịch vụ mạng tiên tiến và đóng góp vào việc đạt các mục tiêu phát triển bền vững do Liên Hợp quốc đề ra thông qua đường truy cập tới các nguồn lực đào tạo và nghiên cứu được cải thiện tốt hơn, giúp cho khoảng cách số trong khu vực ngày càng được thu hẹp lại.”
Trong khi đó, bà Axelle Claude Nicaise, Phó Đại sứ, Trưởng Ban Chính trị, Báo chí và Thông tin, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết: “Liên minh châu Âu rất vinh dự khi làm một trong các nhà tài trợ cho những bước đầu tiên trong quá trình thiết lập nên Mạng Thông tin Á – Âu và đến thời điểm hiện tại Mạng Thông tin Á – Âu đã phát triển được trong vòng 20 năm, nhằm cung cấp mạng thông tin chất lượng cao để phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu phát triển và đào tạo trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
Bà Axelle Claude Nicaise cũng chia sẻ thêm: Liên minh châu Âu từ lâu đã nhận thức rõ tiềm năng và lợi ích của việc thúc đẩy kết nối “người với người”. Trong đó, Asi@Connect là một điển hình tiêu biểu của hội nhập khu vực với việc các cộng đồng nghiên cứu và đào tạo tại 23 quốc gia/nền kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương có thể đa kết nối với nhau thông qua đường mạng TEIN có lưu lượng băng thông và chất lượng cao. Asi@Connect sẽ là một động lực quan trọng để phát triển một môi trường CNTT&TT đậm tính hòa bình, an toàn, mở và hợp tác giữa hai khu vực Á – Âu cũng như góp phần đem lại nhiều lợi ích cho xã hội nói chung. Hiện nay, có rất nhiều dự án, chương trình nghiên cứu ở quy mô toàn cầu có thể hưởng lợi từ những liên kết mạng có dung lượng băng thông lớn mà chúng ta đang tạo ra, đơn cử như chia sẻ dữ liệu và hợp tác trong các lĩnh vực thiên văn học, khí tượng học, theo dõi biến đổi khí hậu hoặc cảnh báo sớm các thảm họa thiên nhiên.”
“Asi@Connect là bằng chứng hết sức sống động về sự hiện diện của EU tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Thông qua hoạt động hợp tác giữa nghiên cứu phát triển và đào tạo cụ thể như e-learning, e-Science, đổi mới sáng tạo hoặc các dự án nghiên cứu trong cộng đồng khoa học, v.v. đã giúp kết nối các đối tác của châu Âu với đối tác của 24 nước thành viên. Asia@Connect mang lại lợi ích cho hàng triệu người dân, hàng ngàn các đối tác khác nhau trong các lĩnh vực nghiên cứu về an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, v.v. Do đó, chúng ta cần kết nối hết sức chặt chẽ. Phái đoàn Liên minh châu Âu cam kết hợp tác và rất vui mừng được nhìn thấy những lợi ích đáng kể của TEIN 1, 2, 3, 4 và bây giờ là Asi@Connect”, bà Axelle Claude Nicaise nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ Lễ Khai trương, nhiều hoạt động khác cũng đã được tổ chức như trưng bày giới thiệu poster về các dự án hợp tác điển hình trong Asi@Connect, hội thảo về kinh nghiệm phát triển các mạng nghiên cứu và đào tạo quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương và hội thảo về eduroam.
Nguyễn Hùng