Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Viện Michael Dukakis:
Chính phủ Trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra bước ngoặt lớn cho Việt Nam
(Dân trí) - Trả lời phỏng vấn của Dân trí, ông Nguyễn Anh Tuấn- Giám đốc Viện Michael Dukakis cho rằng nếu Việt Nam ứng dụng trí tuệ nhân tạo để xây dựng Chính phủ trí tuệ nhân tạo thì điều đó sẽ tạo ra bước ngoặt trong mọi lĩnh vực, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
AI phát triển bùng nổ theo chu kỳ mỗi 30 năm, vẫn đang là mùa Xuân
-Thưa ông, trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence-AI) đã đi vào đời sống mạnh mẽ và đang tạo nên cuộc cách mạng 4.0 trên toàn cầu. Ông có thể phác qua tình hình và đánh giá tác động của AI lên đời sống hiện nay?
- AI không phải bây giờ mới xuất hiện, mà nó đã có từ những năm 1950 và bùng nổ theo chu kỳ 30 năm một lần. Giữa những năm 1980 có làn sóng tiếp theo về phát triển AI, và lần thứ 3 này (bắt đầu từ khoảng 2015-2016) thì mạnh hơn và có tính khả thi hơn. Nguyên nhân là vì giờ đây các hệ thống máy tính đã đủ mạnh, hệ thống dữ liệu liên kết qua Internet đã phát triển rất cao, hạ tầng có thể giải quyết được nhiều bài toán phức tạp.
Tuy nhiên, AI hiện nay được đánh giá vẫn chỉ đang ở buổi bình minh, hoặc mùa xuân. Tất cả còn đang ở mức độ sơ khai và con người mới chỉ đang bắt đầu khai phá. AI còn rất nhiều tiềm năng, cũng như nhiều vấn đề phải giải quyết.
Trên thế giới, Mỹ là trung tâm sáng tao AI lớn nhất. Trung Quốc đang đầu tư rất nhiều với tham vọng vượt qua Mỹ về AI. Các nước Canada, Nhật, Anh, Pháp, Đức, Nga… đều có chiến lược quan trọng phát triển kinh tế AI.
Các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Apple, Amazon, IBM… đều coi đầu tư nghiên cứu, đưa AI vào sản phẩm, dịch vụ của họ là sự sống còn. Hàm lượng trí tuệ nhân tạo nhiều trong mỗi sản phẩm, dịch vụ của họ.
AI sẽ đi vào mọi mặt của xã hội, đến cuộc sống của từng con người. AI mang lại nhiều điều tốt đẹp, nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ cho nhân loại nếu không được quản trị và kiểm soát trên những chuẩn mực tốt đẹp.
Trước tình hình đó, Viện Michael Dukakis về Lãnh đạo và Sáng tạo đã có sang kiến xây dựng Xã Hội Trí Tuệ Nhân Tạo (AI World Society) với mô hình 7 lớp để kiểm soát, ngăn ngừa những nguy cơ do AI gây ra, và phát huy cao nhất những ưu việt của AI để tổ chức xã hội ứng dụng toàn diện AI, đem đến nững điều tốt đẹp cho nhân loại.
- Vậy sự phát triển tiếp theo của AI sẽ là như thế nào, thưa ông?
- Những hệ thống thông minh có khả năng suy luận, tiến đến sang tạo như óc người, những robot hình dáng như con người, có khả năng làm những động tác uyển chuyển, có khản năng giao tiếp với con người, có xúc cảm, có thể sang tạo… là những mục tiêu, khát vọng của những người nghiên cứu về AI.
Cùng với những tính năng kỹ thuật đó, cần có một hệ thống chuẩn mực về xã hội AI được chính phủ các nước tôn trọng và áp dụng trong công nghệ, kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội mà hiện nay Xã Hội Trí Tuệ Nhân Tạo đang khởi xướng.
Chính phủ trí tuệ nhân tạo
- Ông đánh giá công nghệ nói chung và công nghệ AI nói riêng của Việt Nam đang ở vị trí nào trên bản đồ thế giới, thưa ông?
- Việt Nam đang ở phía sau khá xa so với các nước tiên tiến về AI.
- Vậy Việt Nam có thể trở thành nước tiên tiến về AI và phải làm gì để vượt lên trở thành nước tiên tiến về AI? Thưa ông?
- Từ một nước ở phía sau thì rất khó để vượt lên đi cùng với các nước tiên tiến. Nhưng với AI nếu biết cách chọn điểm đột phá và có chiến lược đặc biệt, quyết tâm cao của lãnh đạo từ cấp cao nhất là Tổng Bí Thư, Bộ Chính trị cho tới Thủ tướng thì Việt Nam có thể vượt lên đi cùng các nước tiên tiến. Điểm đột phá là Xây dựng Chính phủ Trí Tuệ Nhân Tạo, từ đó xây dựng Khu Sáng tạo AI và Văn hoá thời đại AI
Khu Sáng tạo AI và Văn hoá thời đại AI
- Xin ông có thể chia sẻ sâu hơn về khái niệm chính phủ trí tuệ nhân tạo ( Chínhphủ AI), nó được đón nhận thế nào? Điều đó tác động ra sao tới kinh tế cũng như mọi mặt khác của xã hội?
- Chính phủ AI, giải thích một cách dễ hiểu, đó là một chính phủ ứng dụng AI vào quản trị, điều hành, phát triển đất nước, AI hỗ trợ việc ra quyết định của chính phủ ở các cấp, AI hỗ trợ cung cấp dịch vụ công thông minh và tự động hoá để phục vụ tốt cho công dân. Đây là một bước phát triển mới, tiên tiến hơn nhiều so với khái niệm chính phủ điện tử đã ra đời cách đây khá lâu.
Khái niệm Chính phủ AI lần đầu tiên được Viện Michael Dukakis Về lãnh đạo và Sáng tạo công bố tại Đại học Harvard (Mỹ) tháng 6/2018 vừa qua, tức chỉ khoảng hơn 2 tháng trước. Chính Phủ Trí Tuệ Nhân Tạo đã nhận được sự quan tâm của giới học giả và xã hội, ngày 9/8/2018, những báo hàng đầu thế giới như New York Times, Washington Post, Boston Globe, Chicago Tribune, San Francisco Chronicle, Hãng tin AP, kênh truyền hình ABC News đồng loạt đưa tin và giới thiệu về Xã Hội Trí Tuệ Nhân tạo và Chính Phủ Trí Tuệ Nhân Tạo.
Ngày 23/10/2018 tại Brussels, Bỉ, Hội nghị trí tuệ nhân tạo của những nhân vật có ảnh hưởng trên thế giới đã mời tôi làm diễn giả để nói về Chính phủ trí tuệ nhân tạo, hay đề tài này cũng sẽ được trình bày tại hội nghị Liên minh Lãnh đạo Thế giới của các cựu tổng thống, cựu thủ tướng ngày 27/9/2018 tại Riga, một hội nghị về trí tuệ nhân tạo do 3 trường đại học lớn của Nga tổ chức tháng 10 ở Saint Petersburg cũng mời tôi là diễn giả trình bày về chính phủ trí tuệ nhân tạo. Sáng 1/9/2018 sẽ có cuộc thảo luận với Nikkei tại Tokyo về chính phủ trí tuệ nhân tạo.
Chính phủ trí tuệ nhân tạo sẽ đem đến những điều tốt đẹp cho mọi công dân trên thế giới và sẽ làm thay đổi sâu sắc xã hội.
Với Việt Nam, đây sẽ là đột phá để Việt Nam xây dựng được một ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng chính phủ trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra nhu cầu rất lớn về các sản phẩm dịch vụ tiên tiến trên nền AI, đây chính là cơ sở để xây dựng những sản phẩm dịch vụ AI mang thương hiệu Việt Nam do Việt Nam làm chủ, đó chính là lời giải cho trăn trở về việc kinh tế Việt Nam dựa nhiều vào FDI, chủ yếu gia công, lắp ráp, giá trị đem lại cho đất nước không cao. Từ những sản phẩm dịch vụ AI đi đầu này, có khả năng cung cấp cho các nước khác trên thế giới.
- Vậy việc xây dựng chính phủ trí tuệ nhân tạo có khả thi với Việt Nam, một nước đang ở phía sau so với các nước tiên tiến về AI?
"Xây dựng Chính Phủ Trí Tuệ Nhân tạo là khả thi với Việt Nam, chìa khoá thành bại là ở trong tay các nhà lãnh đạo Việt Nam".
Nguyễn Anh Tuấn- Giám đốc Viện Michael Dukakis, Hoa Kỳ
- Đúng là không dễ dàng, thậm chí như là điều không tưởng. Nhưng để vượt lên đi cùng các nước tiên tiến thì phải làm những điều tưởng như không tưởng. Vì các nước tiên tiến đang đầu tư rất mạnh vào AI, họ có những nền tảng tốt hơn Việt Nam rất nhiều, do đó chỉ có dám đột phá, dám đi tiên phong làm những cái rất mới thì Việt Nam mới có khả năng bứt lên, sánh vai với các nước tiên tiến về AI. Trong lịch sử, Việt Nam đã nhiều lần biến những điều không tưởng trở thành hiện thực.
Không có vinh quang nào đạt được dễ dàng
- Theo ông, để thực hiện được điều đó, Việt Nam cần bắt đầu từ đâu và cần có chính sách gì? Viện Michael Dukakis có thể giúp gì cho Việt Nam? Ông có thể phân tích thuận lợi khó khăn nếu bắt tay xây dựng?
- Trước hết cần có quyết sách của các nhà lãnh đạo cấp cao nhất đất nước Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội và Bộ chính trị, đặt mục tiêu trong 10 đến 15 năm tới, Việt Nam trở thành nước đứng đầu Đông Nam Á về kinh tế, văn hoá, xã hội, là một nước văn minh, tiên tiến.
Tiếp theo là xây dựng Trung tâm Dữ liệu và Ra Quyết định quốc gia. Đưa ra các quy định rằng mọi quyết định của Đảng, Chính phủ, Quốc hội đều được tham khảo và dựa trên Trung tâm Dữ Liệu và Ra Quyết định quốc gia này.
Từ đó xây dựng các dịch vụ công thông minh và tự động hoá phục vụ mọi công dân Việt Nam.
Cần có chính sách thực sự thông thoáng trong giao lưu hợp tác quốc tế, để các cơ quan, các trường đại học, các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam được quyền chủ động, tự quyết định việc giao lưu, hợp tác với các cơ quan chính phủ, các tổ chức, các trường đại học, các doanh nghiệp trên thế giới, đặc biệt là các nước G7.
Cần có chính sách chọn lựa các doanh nghiệp tham gia xây dựng chính phủ trí tuệ nhân tạo một cách công khai, minh bạch, trên cơ sở năng lực trí tuệ và năng lực sáng tạo của doanh nghiệp.
Với tâm huyết của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, và theo đề nghị của bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Viện Michael Dukakis đã xây dựng Chiến lược đột phá kinh tế trí tuệ nhân tạo cho Việt Nam với sư tham gia của giáo sư Jason Furman, Đại học Harvard, ông chính là tác giả Chiến lược kinh tế trí tuệ nhân tạo cho chính phủ Mỹ tháng 12/2016 và là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Obama. Báo cáo chiến lược này đã được chuyển tới Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đã được trình bày tại Hội nghị Vietnam CEO Summit ngày 25/7/2018 tại Hà Nội. Báo cáo chiến lược đã chỉ rõ điểm đột phá của Việt Nam là đi tiên phong xây dựng Chính phủ Trí Tuệ Nhân Tạo, xây dựng Khu Sáng tạo Trí Tuệ Nhân Tạo và từ đó đóng góp xây dựng văn hoá Thời đại Trí Tuệ Nhân Tạo cho nhân loại, với những giải pháp triển khai cụ thể.
Thuận lợi rất lớn cho Việt Nam khi tiên phong xây dựng chính phủ trí tuệ nhân tạo là có thể thu hút được những nguồn lực trí tuệ hàng đầu, có khả năng dẫn dắt về AI, điều mà Việt Nam đang thiếu hụt, đồng thời Việt nam cũng sẽ nhận được tài trợ của các quỹ, các tổ chức tài chính như World Bank, các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ. Thuận lợi quan trọng nữa là Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo có tâm huyết, có khát vọng đưa Việt Nam vượt lên trở thành nước văn minh, tiên tiến.
Khó khăn, trở ngại thì rất nhiều. Không có vinh quang nào đạt được dễ dàng cả.
- Ông đánh giá thế nào về sáng kiến khởi động mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt với 100 nhà khoa học trẻ hải ngoại tham gia vừa qua?
- Đây là sáng kiến hay, tạo khí thế phấn khởi trong xã hội, nó cho thấy tâm huyết của các nhà lãnh đạo Việt Nam muốn thu hút mọi nguồn lực trí tuệ, tài năng người Việt ở nước ngoài để xây dựng đất nước.
Tuy nhiên đây chỉ là sự bắt đầu.
Bước tiếp theo, cần làm ngay là tạo ra cơ chế, môi trường đổi mới, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, nuôi dưỡng và hỗ trợ sáng tạo, để mọi người có thể phát huy cao nhất năng lực sáng tạo của mình. Khi có cơ chế để bất kỳ ai cũng có thể phát huy được tài năng, những người có khả năng, khát vọng, có đất sống, có đất để sáng tạo. Ai có tài năng người đó có thể vượt lên được. Các sản phẩm, dịch vụ phát triển nhờ chất lượng, nhờ giá trị cốt lõi, không phải bằng những mối quan hệ đặc biệt trong một nhà nước pháp trị, thì sẽ tạo ra được nền tảng để thu hút mọi tài năng người Việt Nam ở trong và ngoài nước, cũng như những trí tuệ, tài năng của thế giới đến với Việt Nam.
Nếu không có môi trường cạnh tranh công khai, lành mạnh thì không khí phấn khởi, hồ hởi này sẽ qua đi. Nhà nước chỉ quan tâm làm tốt nền tảng này, còn lại xã hội sẽ tự vận hành, kể cả việc đào tạo nguồn nhân lực phát triển AI.
- Xin trân trọng cảm ơn ông, chúc ông sức khỏe!
Bảo Trung- Nguyễn Nguyễn
thực hiện
Ông Nguyễn Anh Tuấn hiện là Tổng Biên Tập Diễn đàn Toàn cầu Boston và Tạp chí Shaping Futures, Giám đốc Viện Michael Dukakis Về Lãnh đạo và Sáng tạo.
Ông là thành viên Hội đồng cố vấn toàn cầu, Trường Kinh Doanh, Đại học Harvard, đồng tác giả Sáng kiến Xã hội trí tuệ nhân tạo (AI World Society) và Chính phủ Trí tuệ Nhân tạo (AI-Government)
Ông là người sáng lập Xa Lộ Thông Tin VietNet, từ Bưu điện Khánh Hoà, đây là mạng cung cấp dịch vụ Internet đầu tiên ở Việt Nam từ 1/1996. Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng được biết đến là người sáng lập và là Tổng Biên Tập đầu tiên của báo điện tử VietNamNet từ 12/1997 đến 3/2011.
Ông là Chủ tịch Uỷ ban cố vấn quốc tế của Chương trình Giáo dục công dân toàn cầu, của UNESCO và Đại học UCLA.