1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Chính phủ Anh gửi giòi đến các vùng chiến sự để chữa thương

(Dân trí) - Những con giòi đáng sợ bò lổm ngổm đang được gửi đến các quân y viện tại những vùng chiến sự, tờ Telegraph đưa tin.

Chính phủ Anh gửi giòi đến các vùng chiến sự để chữa thương  - Ảnh 1.

Giòi là ấu trùng của loài ruồi. Nguồn: Shutterstock.

Cách chữa trị rùng rợn này có vẻ lạ thường, nhưng thực ra đây là một phương pháp từ thời cổ đại. Đến ngày nay, thổ dân Úc vẫn sử dụng giòi để làm sạch vết thương. 

Trong Thế chiến thứ nhất, binh lính trong chiến hào cũng phải nhờ cậy những sinh vật nhỏ bé này. Một khi được đặt lên vết thương của bệnh nhân, chúng sẽ chăm chỉ làm việc, giữ vết thương không bị nhiễm trùng bằng cách xơi tái mô chết và còn nhả ra một loại nước bọt kháng khuẩn.

Giờ liệu pháp này có thể giúp những người có vết thương hở thoát khỏi cảnh nhiễm trùng. Dự án được đầu tư 250.000 đô la thậm chí còn giúp bệnh nhân giảm nguy cơ phải cắt bỏ tay chân, do nhiễm trùng thứ cấp từ vết thương và phẫu thuật, thường dẫn đến việc phải cắt bỏ bộ phận.

"Những người sống trong vùng xung đột và khủng hoảng nhân đạo vẫn đang tử vong vì những vết thương có thể dễ dàng chữa trị", bà Penny Mordaunt, bộ trưởng Bộ phát triển quốc tế Anh và cũng là thành viên của Quốc hội, nói với phóng viên .

Tờ Telegraph đưa tin, để triển khai "dự án giòi" này chính phủ Anh sẽ để các bệnh viện dã chiến nuôi giòi tại chỗ. Sau khi ruồi đẻ trứng, chúng sẽ được khử trùng và ủ trong một hoặc hai ngày. Đến lúc đó, những con giòi nở ra đã sẵn sàng để được đưa trực tiếp vào vết thương hoặc đặt vào các túi sinh học rồi quấn quanh vết thương.

Giòi vô trùng rất có giá trị ở những khu vực có điều kiện y tế kém. Không chỉ loại bỏ mô chết và cả mô bị tổn thương, giòi thậm chí có thể làm sạch vết thương nhanh hơn bác sĩ phẫu thuật trong một số trường hợp. Tuy nhiên, để ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh, một mẻ giòi chỉ được sử dụng một lần. Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã xử lý chúng trong các thùng chứa ngay trong phòng bệnh sau khi lấy khỏi vất thương. Nếu một trong số chúng thoát được ra ngoài tự nhiên thì cũng vô hại, vì giòi đã được khử trùng cẩn thận trước khi nhộng nở thành ruồi.

Nếu kế hoạch này hoạt động trơn tru, các bệnh viện dã chiến Anh sẽ nhân giống ruồi trong vòng một năm, cung cấp đủ giòi để điều trị 250 vết thương mỗi ngày, Frank Stadler, nhà nghiên cứu tại Đại học Griffith ở Úc, nhóm cố vấn khoa học cho dự án, cho biết.

Đến năm 2021, nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ tạo ra một bộ dụng cụ tự nuôi giòi, giúp bất cứ ai - dù ở vùng xa xôi hẻo lánh - có thể tự nuôi những"em bé" này.

Tùng Anh

Theo Livescience