Chim uốn cong cơ thanh âm và “mơ hót” trong khi ngủ
(Dân trí) - Không chỉ hót líu lo vào ban ngày, mà ban đêm khi đang ngủ, chim cũng tiếp tục luyện thanh.
Phát lại các sự kiện trong ngày khi bạn ngủ được xem là một quá trình quan trọng không chỉ với con người, mà còn với một loạt các động vật khác, từ tê tê cho đến thằn lằn. Trong khi đã được chứng minh rằng chim chóc mơ về việc hót, một nghiên cứu mới phát hiện ra chúng thậm chí còn di chuyển cơ thanh âm cứ như chúng thật sự đang tạo ra giai điệu trong khi ngủ.
Người ta cho rằng nằm mơ giúp củng cố trí nhớ. Bằng cách đo hoạt động não trong khi các sinh vật đang ngủ, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tất cả các động vật có vú, và rất nhiều các loài khác nhau đều có chuyển động mắt nhanh trong khi ngủ để khởi động. Đó là thời điểm người ta có khả năng mơ một giấc mơ sống động nhất.
Nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng các nơ-ron của chim chóc khi đang ngủ hoạt động theo một mô hình phức tạp tương tự như khi chim hót ban ngày. Đây được cho là bằng chứng mà sau khi nghe những tiếng hót nhất định, như tiếng hót của chim bố mẹ, chúng tiếp tục luyện tập âm điệu kể cả khi chúng đang ngủ.
Một nghiên cứu mới, đăng trên PeerJ, đã tìm hiểu sâu hơn. Sau khi phẫu thuật gắn các điện cực vào cơ thanh âm của 10 con chim manh manh, một đội bắt đầu ghi lại mọi hoạt động trong khi chim ngủ. Họ phát hiện rằng ngoài việc kích thích các nơ-ron như thể chúng đang hót trong khi mơ, 10 con chim còn uốn cong các cơ thanh âm như thể chúng đang hót thật sự.
Chim manh manh.
Nhưng trong khi từ việc quét não bộ người ta cho rằng chim manh manh đã phát lại hiệu quả tiếng hót ban ngày trong lúc ngủ, nghiên cứu mới nhất này lại có vẻ như ám chỉ một điều khác. Những chuyển động của các cơ thanh âm trong lúc mơ không thật sự khớp với những chuyển động lúc ban ngày khi chim hót.
Các nhà nghiên cứu cho rằng điều này có thể có nghĩa là chim có lẽ không mơ về những tiếng hót quen thuộc của chúng – có xu hướng khá giống nhau trong suốt cuộc đời một con chim – mà có thể thay vào đó luyện tập những biến thể của tiếng hót. Họ nghĩ rằng đó có thể là cách để não bộ phát hiện khi chim hót một nốt sai, và từ đó giúp chúng duy trì khuôn mẫu chính xác vào ban ngày.
Cho dù là thế nào, có vẻ rõ ràng rằng nếu có một luồng không khí, hoạt động của các cơ sẽ là đủ để chim hót trong khi ngủ.
Lộc Ninh (Theo IFLScience)