Chim cánh cụt Vua có lẽ sẽ sớm di cư

(Dân trí) - Hơn 70% quần thể chim cánh cụt Vua trên toàn thế giới gần đây đang hình thành các lãnh địa ở các đảo Nam cực Crozet, Kergulen và Marion. Có lẽ chẳng có gì ngoài một kí ức trong hàng thập kỉ, vì sự nóng lên toàn cầu sẽ sớm khiến loài chim này di chuyển về phía nam, hoặc biến mất.

Chim cánh cụt Vua có lẽ sẽ sớm di cư - 1

Robin Cristofari, tác giả đầu tiên của nghiên cứu, thuộc Viện Đa ngành Hubert Curien (IPHC/CNRS/ Đại học Strasbourg) và Trung tâm Khoa học Monaco (CSM), cho biết: “Vấn đề chính là ở Nam Đại Dương chỉ có một số ít đảo và không phải tất cả trong số đó đều phù hợp để duy trì những lãnh địa sinh sản lớn”.

Trên thực tế, chim cánh cụt Vua là loài động vật khá kén chọn: để hình thành một lãnh địa nơi chúng có thể giao phối, đẻ trứng và nuôi chim non trong một năm, chúng cần nhiệt độ dễ chịu quanh năm, không có biển băng mùa đông quanh đảo, và bãi cát hay sỏi trơn mịn. Nhưng, trên hết, chúng cần một nguồn thức ăn dồi dào và đáng tin cậy gần đó để cho con chúng ăn. Trong hàng thiên niên kỉ, loài chim biển này đã phụ thuộc vào Frông vùng cực Nam cực, vùng Frông nước trồi lên ở Nam Đại Dương tập trung khối lượng cá khổng lồ trong một khu vực khá nhỏ.

Nhưng, vì biến đổi khí hậu, khu vực này đang dịch chuyển về phía nam, cách xa những hòn đảo nơi hầu hết chim cánh cụt Vua đang sinh sống. Do đó, chim bố mẹ bắt buộc phải bơi đi xa hơn để kiếm thức ăn, trong khi con cái chúng đang chờ, nhịn ăn lâu hơn và lâu hơn trên bờ. Nghiên cứu dự đoán rằng, với hầu hết các lãnh địa, độ dài các chuyến đi kiếm thức ăn của chim bố mẹ sẽ sớm vượt quá sức chịu đựng cái đói của chim con, dẫn đến việc phân nhỏ kích thước bầy đàn của chim cánh cụt Vua, hay, việc tái định cư.


700km là giới hạn khoảng cách chim cánh cụt Vua có thể đi kiếm thức ăn trước khi để con cái chết đói.

700km là giới hạn khoảng cách chim cánh cụt Vua có thể đi kiếm thức ăn trước khi để con cái chết đói.

Sử dụng những thông tin ẩn trong bộ gen của chim cánh cụt, đội ngũ nghiên cứu đã tái xây dựng những thay đổi trong quần thể chim cánh cụt Vua trên toàn thế giới suốt 50.000 năm qua, và phát hiện ra rằng những thay đổi về khí hậu trước đây, gây ra sự thay đổi các dòng hải lưu, phân bổ biển băng và vị trí Frông vùng cực Nam cực, luôn có liên quan đến những giai đoạn quan trọng của chim cánh cụt Vua.

Tuy nhiên, ta vẫn chưa mất hi vọng: chim cánh cụt Vua đã sống sót qua những cuộc khủng hoảng này nhiều lần (lần cuối cùng là 20.000 năm trước), và chúng có lẽ khá giỏi việc này. Emiliano Trucchi, trước làm việc tại Đại học Vienna và giờ là Đại học Ferrara, một trong những điều phối viên của nghiên cứu, cho biết: “Những giá trị cực kì thấp trong các chỉ số về sự khác biệt di truyền cho chúng ta thấy rằng tất cả các lãnh địa đều liên quan tới nhau qua sự trao đổi liên tục của các cá nhân. Nói cách khác, chim cánh cụt Vua có vẻ có thể di chuyển khá nhiều để tìm những vị trí sinh sản và nuôi con an toàn nhất khi mọi thứ trở nên tồi tệ”.

Nhưng lần này có một điểm khác biệt chính: lần đầu tiên trong lịch sử chim cánh cụt, hoạt động của loài người đang dẫn đến những thay đổi nhanh chóng và/hoặc không thể đảo ngược của hệ thống Trái đất, và những vùng xa xôi không phải ngoại lệ. Ngoài tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu lên Vùng Cực, Nam Đại Dương đang phải chịu việc đánh bắt cá công nghiệp, và chim cánh cụt có lẽ sẽ sớm gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thức ăn.

Céline Le Bohec (IPHC/CNRS/ Đại học Strasbourg và CSM), lãnh đạo chương trình 137 của Viện Vùng Cực Paul-Emile Victor, Pháp – nơi bắt đầu nghiên cứu, cho biết: “Vẫn có những hòn đảo xa hơn về phía nam nơi loài chim cánh cụt Vua có thể sinh sống, nhưng sự cạnh tranh về địa điểm sinh sản và thức ăn sẽ rất khốc liệt, đặc biệt là với những loài chim cánh cụt khác như Chinstrap, Gentoo hay Adélie, kể cả khi không có nghề cá. Rất khó để dự đoán kết quả, nhưng chắc chắn sẽ có tổn thất trong quá trình này. Nếu muốn cứu vãn bất kì điều gì, những nỗ lực bảo tồn chủ động và hiệu quả là cần thiết, nhưng trên hết, hành động chung sức toàn cầu chống lại việc trái đất nóng lên nên bắt đầu từ bây giờ.

Lộc Ninh (Theo Science Daily)