1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Chim cánh cụt jackass có “quy tắc ngôn ngữ” giống… loài người

(Dân trí) - Những “bài hát” réo rắt của chim cánh cụt jackass châu Phi được phát hiện tuân theo những quy tắc cực kỳ phổ biến của ngôn ngữ loài người.

Chim cánh cụt jackass có “quy tắc ngôn ngữ” giống… loài người - 1
 

Chim cánh cụt châu Phi (Spheniscus demersus) mang biệt danh là "chim cánh cụt jackass" vì chúng giao tiếp thông qua tiếng rít, giống như con lừa. Trong một nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng “ngôn ngữ” của những chim cánh cụt jackass thực sự tuân theo các quy tắc ngôn ngữ cơ bản giống như chúng ta.

Trong nghiên cứu, được công bố trên tạp chí Biology Letters, các nhà nghiên cứu đã ghi lại gần 600 cách phát âm từ 28 con chim cánh cụt đực trưởng thành sống trong vườn thú Italia.

Trong đó con đực có xu hướng phát âm rất nhiều trong giai đoạn giao phối, đó là lý do tại sao các nhà nghiên cứu chuyển sang quần thể này. Các nhà khoa học đã biết từ nghiên cứu trước đó rằng chim cánh cụt châu Phi sử dụng ba loại âm thanh riêng biệt, gợi nhớ đến âm tiết của con người, khi chào nhau, giao phối hoặc bảo vệ lãnh thổ. Nhưng các nhà nghiên cứu muốn biết liệu những "âm tiết" đó có tuân theo hai quy tắc ngôn ngữ chung hay không.

Một trong những quy tắc đó, được gọi là định luật ngắn gọn của Zipf, được đề xuất vào năm 1945 bởi nhà ngôn ngữ học George Zipf. Luật quy định rằng một từ càng thường xuyên được sử dụng trong bất kỳ ngôn ngữ nào thì nó càng có xu hướng ngắn hơn. Các nghiên cứu trước đây đã phân tích hơn 1.000 ngôn ngữ trên thế giới để tìm bằng chứng về luật Zipf, và quy tắc này nắm giữ tất cả chúng.

Quy tắc tiếp theo được gọi là luật Menzerath-Altmann, một từ hoặc cụm từ càng dài thì âm tiết cấu thành của nó càng ngắn, trong khi các từ ngắn hơn có nhiều âm tiết dài hơn. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng các loài linh trưởng phi nhân loại tuân theo cả hai quy tắc này khi chúng giao tiếp với nhau, nhưng còn chim cánh cụt jackass thì sao?

Các nhà nghiên cứu trong nghiên cứu mới phát hiện ra rằng, những “bài hát” của chim cánh cụt đực phù hợp với cả luật của Zipf và Menzerath-Altmann: Những cuộc gọi ngắn nhất có xu hướng phổ biến nhất và những cụm từ dài nhất được tạo thành từ những âm tiết ngắn nhất. Nghiên cứu này đã cung cấp bằng chứng thực tế đầu tiên rằng các mô hình ngôn ngữ phổ biến này mở rộng vào vương quốc động vật.

Khôi Nguyên

Theo Live Science