1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

"Chiến trường bán dẫn" dưới góc nhìn của nhà khoa học Việt

Bảo Khánh

(Dân trí) - Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành và tiến sĩ Nguyễn Tuệ Anh nói về cuộc đua không khoan nhượng giữa các cường quốc nhằm kiểm soát một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất của thế giới: bán dẫn.

Cuộc đua bán dẫn đã tăng tốc mạnh mẽ trong vòng 5 năm qua. Đối với các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, các đạo luật và chiến lược phát triển chất bán dẫn được coi là một hợp phần của an ninh quốc gia.

Đối với Liên minh châu Âu (EU), phát triển chất bán dẫn có mục tiêu là đạt được tự chủ chiến lược.

Hai tác giả: TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc (CESS) và TS. Nguyễn Tuệ Anh - Chuyên gia nghiên cứu cao cấp về chính sách công tại Anh đã cùng đứng tên ra mắt cuốn sách "Chiến trường bán dẫn".

Ngành bán dẫn với bốn trụ cột chính

Trong cuộc tọa đàm khoa học diễn ra mới đây tại Cục Tần số Vô tuyến Điện, Bộ Thông tin và Truyền thông, hai tác giả cho biết đã dành nhiều thời gian nghiên cứu để vén màn bí mật về cuộc đua không khoan nhượng giữa các cường quốc nhằm kiểm soát chất bán dẫn.

Chiến trường bán dẫn dưới góc nhìn của nhà khoa học Việt - 1

TS. Nguyễn Tuệ Anh (bên phải) và TS. Phạm Sỹ Thành (thứ hai bên phải) tại cuộc tọa đàm (Ảnh: BTC).

Các tác giả tiếp cận nghiên cứu chính sách dựa trên bốn trụ cột đã đưa ra những phân tích hệ thống và cặn kẽ về các chiến lược, chính sách mà Trung Quốc và Mỹ đã áp dụng để xây dựng và củng cố vị thế cho ngành sản xuất bán dẫn của mình.

"Cuốn sách cố gắng mô tả các trung tâm bán dẫn toàn cầu với bốn trụ cột chính gồm chính trị, tài chính, công nghệ và nhân lực. Điểm mạnh lớn nhất là độc giả có thể đưa chiến lược bán dẫn của các quốc gia vào khung đó để so sánh những điểm khác biệt, tương đồng hay chất lượng, hiệu quả với các quốc gia khác", TS. Phạm Sỹ Thành chia sẻ tại cuộc tọa đàm.

Chiến trường bán dẫn đào sâu các cách thức chạy đua giữa các quốc gia, tập đoàn, đặc biệt là hai cường quốc đối trọng Trung Quốc và Mỹ nhằm giành quyền kiểm soát thị trường bán dẫn toàn cầu.

Không chỉ tập trung vào những thành công rực rỡ, hai tác giả còn phân tích những thất bại và bài học lớn mà cả Mỹ và Trung Quốc đã trải qua trong hành trình 70 năm qua.

Những câu chuyện về sự trỗi dậy và sụp đổ của các tập đoàn công nghệ lớn, mặc dù có sự hỗ trợ của nhà nước, là lời nhắc nhở mạnh mẽ về sự cần thiết của chiến lược dài hạn, tầm nhìn xa và sự đầu tư liên tục vào nghiên cứu và phát triển.

Hệ sinh thái công nghệ tự chủ: Không thể chậm trễ

Với những nghiên cứu và tổng kết trong cuốn sách, hai tác giả Phạm Sỹ Thành và Nguyễn Tuệ Anh còn đưa ra những suy nghĩ về việc xây dựng một hệ sinh thái công nghệ tự chủ đổi mới sáng tạo thích ứng được với một môi trường đang ngày càng thay đổi.

Đây là thời điểm mà chúng ta không thể chậm trễ. Thế giới đang tiến về phía trước với tốc độ chưa từng có, nếu không nhanh chóng hành động, và nếu hành động không hiệu quả, chúng ta sẽ đánh mất cơ hội để vươn lên.

Bản đồ bán dẫn toàn cầu đang được vẽ lại. Tại một số nơi, sự cạnh tranh diễn ra như trên chiến trường với các lệnh cấm, các hoạt động trừng phạt, các chia tách công nghệ...

Việc tìm hiểu về chính sách phát triển ngành bán dẫn từ thực tiễn đa dạng của các quốc gia và vùng lãnh thổ không chỉ giúp đưa ra các hàm ý chính sách về ngành, mà còn giúp trả lời các câu hỏi thiết yếu cho việc nhận diện bức tranh công nghệ toàn cầu trong thập kỷ kế tiếp; và từ đó nhìn ra những cơ hội cũng như thách thức của mỗi quốc gia.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm