Chỉ với hai người có thể khôi phục dân số thế giới không?

(Dân trí) - Ý tưởng khôi phục lại dân số thế giới từ hai người có vẻ rất khả quan với câu chuyện về Adam và Eve, nhưng vấn đề cận huyết dường như đã khiến việc này trở thành không thể.

Chỉ với hai người có thể khôi phục dân số thế giới không? - 1

Theo như Kinh Thánh, Adam và Eve có lẽ đã làm được điều này, nhưng nhìn nhận theo một cách khoa học, liệu hai người có đủ để khôi phục lại dân số thế giới từ đầu, bất kể các vấn đề về sức khỏe không tránh khỏi cùng với việc cận huyết và một nguồn gen giới hạn không?

Trước hết, hãy giải quyết những vấn đề hiển nhiên. Thế hệ “mới” đầu tiên rõ ràng đều sẽ là anh chị em ruột thịt; thế hệ thứ hai, tất cả sẽ là anh chị em họ.

Vô số nghiên cứu đã chỉ ra khi họ hàng gần thế hệ thứ nhất hay thứ hai có con với nhau, kết quả sẽ không được khả quan.

Một báo cáo về những đứa trẻ người Séc do bố mẹ có họ hàng gần với nhau sinh ra từ năm 1933 đến năm 1970 cho thấy chúng có tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, tỉ lệ khuyết tật về thể chất và tinh thần cao hơn.

Tiếp đến là bệnh mù màu phổ biến trên hòn đảo Pingelap, nguyên nhân là do một cơn bão tàn phá khiến nơi đây chỉ còn 20 người sống sót để khôi phục lại cộng đồng dân cư như trước.

Trên trang BBC Future, Zaria Gorvett nhắc tới hoàng gia Châu Âu – và những cuộc hôn nhân chính trị ở đó – như là một ví dụ minh họa. Ví dụ nổi tiếng nhất là Vua Charles II của Tây Ban Nha, sinh ra với rất nhiều khiếm khuyết về thể chất và trí tuệ. Một đội ngũ các nhà khoa học Tây Ban Nha cho rằng đây là kết quả của “hệ số cận huyết” cao của nhà vua.

Nói cách khác, nhà vua thừa hưởng rất nhiều gen giống nhau từ bố mẹ mình.


Chân dung vua Charles II của Tây Ban Nha vẽ bởi Juan Carreño de Miranda,1685.

Chân dung vua Charles II của Tây Ban Nha vẽ bởi Juan Carreño de Miranda,1685.

Còn rất nhiều những nghiên cứu khác, tất cả các ví dụ đều nêu ra một vấn đề cơ bản giống nhau: một nguồn gen hạn chế.

Những căn bệnh di truyền hiếm gặp (bao gồm cả bệnh mù màu đã nhắc đến phía trên) thường xuất hiện khi hai bản sao của cùng một hệ gen được truyền lại từ hai bố mẹ cho con.

Nếu bố mẹ cũng là anh chị em ruột, thì bộ gen của họ có khả năng lớn là tương tự nhau. Các vấn đề về di truyền sau đó sẽ truyền qua các thế hệ.

Và đó không phải là tất cả. Sự đa dạng di truyền cho phép các loài khắc phục được các vấn đề và thích ứng với những thay đổi của môi trường, tuy nhiên việc sinh sản giữa họ hàng gần đã đánh mất đi sự đa dạng di truyền này. Và chất lượng tinh trùng cũng bị ảnh hưởng bởi sự cận huyết.

“Với một quy mô dân số nhỏ, không sớm thì muộn, mọi người sẽ có quan hệ họ hàng với nhau, và khi mối quan hệ họ hàng này gia tăng thì hậu quả của việc cận huyết cũng trở nên nghiêm trọng hơn”, như lời giáo sư Bruce Robertson đến từ Đại học Otago, New Zealand nói với tờ BBC Future. Robertson là thành viên của đội ngũ đang cố gắng bảo vệ số lượng vẹt cú còn sót lại khỏi sự tuyệt chủng.

Cho đến nay vẫn không thu được kết quả khả quan, nhưng có hi vọng cho một cặp Adam và Eve trong tương lai.

Lịch sử văn minh loài người ghi nhận một vài trường hợp cá biệt khi một nhóm người sống sót nhỏ đã thành công trong việc phát triển số lượng và vượt qua những xác suất biến cố của di truyền học: cộng đồng Hutterite ở Bắc Mỹ, có nguồn gốc từ 18 gia đình.

“Bằng chứng cho những ảnh hưởng ngắn hạn của tính đa dạng di truyền thấp rất rõ ràng, nhưng tất cả những điều này đều có tính xác suất”, theo nhà nhân loại học John Moore, người đã và đang hợp tác cùng NASA để tìm hiểu làm thế nào để con người có thể định cư trên các hành tinh khác.

“Có những câu chuyện về những chuyến đi không tưởng trở về từ cõi chết – không gì là không thể”.

Lộc Ninh (Theo Science Alert)