Chế tạo thành công lớp "áo giáp" loại bỏ 96% virus
(Dân trí) - Vật liệu có thể được tích hợp vào các thiết bị và bề mặt để ngăn chặn sự lây lan của virus và giảm việc sử dụng chất khử trùng.
Nhóm nghiên cứu từ Đại học Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne (RMIT) ở Úc vừa chế tạo thành công một vật liệu silicon có cấu tạo từ các gai nano. Vật liệu này có khả năng loại bỏ 96% virus chạm vào bề mặt của nó.
Theo nhóm nghiên cứu, các gai nano sẽ xiên qua các hạt virus khi chúng tiếp xúc với nhau theo đúng nghĩa đen. Hành động này sẽ phá vỡ cấu trúc của các virus, hoặc làm chúng bị hư hại đến mức không thể tiếp tục sinh sản.
Kết quả là gần như mọi hoạt động của virus trên bề mặt sẽ bị xóa sổ sau khoảng 6 giờ.
Đặc tính tiêu diệt virus của vật liệu này đã được thử nghiệm cả về mặt thực tế và lý thuyết, khi ngăn chặn thành công 4 loại virus parainfluenza ở người khác nhau. Virus này là nguyên nhân gây ra các bệnh bao gồm viêm phế quản, viêm phổi và viêm thanh quản. Đây là loại virus parainfluenza độc hại nhất ở người.
Nhóm nghiên cứu cho biết, tỷ lệ tiêu diệt 96% virus là đủ để bảo vệ hầu hết những người khỏe mạnh khỏi một loạt các mầm bệnh có thể lây truyền qua tiếp xúc bề mặt.
Bởi đó, ứng dụng thiết thực nhất của vật liệu này là được sử dụng trong bệnh viện, phòng thí nghiệm khoa học hay bất cứ nơi nào có bề mặt cần được vô trùng ở mức độ cao nhất.
"Vật liệu có thể được tích hợp vào các thiết bị và bề mặt để ngăn chặn sự lây lan của virus và giảm việc sử dụng chất khử trùng", Natalie Borg, nhà sinh học phân tử của dự án, cho biết.
Cũng theo đại diện của nhóm nghiên cứu, cách tiếp cận này được lấy cảm hứng từ thiên nhiên, cụ thể là các loại côn trùng, như: chuồn chuồn, ve sầu...
Ở các loài này, chúng sở hữu nhiều gai có kích thước ở cấp độ nano trên cánh, có thể tiêu diệt vi khuẩn và nấm. Tuy nhiên đối với virus, kích thước của chúng nhỏ hơn rất nhiều, nên các gai được tạo ra cũng phải tương đồng.
Các nhà nghiên cứu cho biết, mặc dù lớp "áo giáp" miễn dịch này mới chỉ ở đang giai đoạn thử nghiệm, nhưng nếu có thể được nhân rộng và áp dụng trong môi trường chăm sóc sức khỏe, chúng có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn.
"Việc triển khai công nghệ tiên tiến này trong các môi trường có nguy cơ cao như phòng thí nghiệm, bệnh viện, cơ sở chăm sóc sức khỏe... hay nơi có mối lo ngại về việc tiếp xúc với các vật liệu sinh học nguy hiểm, có thể tăng cường đáng kể các biện pháp ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm", nhà vật lý ứng dụng Samson Mah của RMIT cho biết.