Chế tạo sơn năng lượng mặt trời hấp thụ hơi nước tạo ra năng lượng
(Dân trí) - Hai nhà khoa học từ trường Đại học RMIT, Úc là tiến sỹ Torben Daeneke và giáo sư Kourosh Kalantar-zadeh mới đây đã nghiên cứu phát triển thành công một loại sơn năng lượng mặt trời có thể tạo ra năng lượng. Loại sơn này có khả năng hấp thụ và phân tách hơi nước để tạo ra năng lượng Hydro.
Theo Torben và Kourosh, loại sơn này chứa một hợp chất mới được tạo ra mang đặc tính như hạt hút ẩm được dùng trong gói hút ẩm để giữ cho thực phẩm, thuốc, cũng như thiết bị điện tử tươi mới và khô thoáng.
Nhưng khác với hạt chống ẩm, loại vật liệu mới - hợp chất muối sunfua molypden tổng hợp, cũng đóng vai trò như một chất bán dẫn, đồng thời phân tách hydro và oxy từ các phân tử nước.
Tiến sỹ Torben Daeneke (phải) và giáo sư Kourosh Kalantar-zadeh đã cùng nhau nghiên cứu ra loại sơn mới này.
Nhà nghiên cứu hàng đầu tại Đại học RMIT (Úc), tiến sĩ Torben Daeneke cho biết: "Chúng tôi phát hiện ra rằng nếu trộn hợp chất trên với các hạt oxit titanium sẽ tạo ra được một loại sơn hấp thụ ánh nắng và sản xuất nhiên liệu hydro từ năng lượng mặt trời và không khí ẩm.
Oxit titanium là chất màu trắng được dùng phổ biến trong sơn tường. Điều này có nghĩa rằng phần bổ sung đơn giản trong vật liệu mới có thể biến một bức tường gạch thành nơi tạo ra năng lượng và sản xuất nhiên liệu cho nhà cửa”.
Bất cứ nơi nào có hơi nước trong không khí, ngay cả những khu vực hẻo lánh cách xa nguồn nước, loại sơn mới này cũng có thể sản xuất ra năng lượng.
Theo tiến sĩ Torben Daeneke, loại sơn năng lượng mặt trời này có rất nhiều ưu điểm. Không cần nước sạch hoặc nước lọc để duy trì và vận hành hệ thống. Bất cứ nơi nào có hơi nước trong không khí, ngay cả những khu vực hẻo lánh cách xa nguồn nước cũng có thể sản xuất ra nhiên liệu.
Giáo sư Kourosh Kalantar-zadeh, đồng nghiệp của Tiến sĩ Torben Daeneke, cũng cho biết hydro là nguồn năng lượng sạch nhất và có thể dùng được trong pin nhiên liệu cũng như buồng đốt thông thường như nguồn thay thế cho nhiên liệu hóa thạch.
Giáo sư cho biết: “Hệ thống này cũng có thể dùng được trong điều kiện khí hậu rất khô nhưng nóng gần các đại dương. Hơi nước từ nước biển bốc hơi do nắng nóng có thể hấp thụ để sản xuất nhiên liệu. Đây là một khái niệm phi thường – sản xuất nhiên liệu từ mặt trời và hơi nước trong không khí”.
Đoàn Dương (Theo RMIT)