Chảy máu và rỉ máu khi mang thai: Các nguyên nhân và triệu chứng
(Dân trí) - Khi thai phụ nhìn thấy máu ở quần lót, đó thường là một dấu hiệu đáng sợ và gây ra lo lắng. Nhưng không phải cứ bị chảy máu là đang có vấn đề xấu.
Chảy máu hoặc có rỉ máu có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ, từ lúc phôi thai được hình thành đến trước khi người phụ nữ sinh nở. Một số nguyên nhân gây chảy máu hoặc rỉ máu ở âm đạo trong thời gian mang thai là nghiêm trọng, chẳng hạn như đó là dấu hiệu của việc sảy thai hoặc có vấn đề về vị trí nhau thai, trong khi một số khác thì không.
Theo tiến sĩ Haywood Brown, trưởng khoa sản và phụ khoa tại khoa Y học của Đại học Duke ở Durham, Bắc Caronlina, mặc dù hiện tượng xuất huyết ở âm đạo không phải là một triệu chứng bất thường, đặc biệt là trong 12 tuần đầu của thai kỳ, đó vẫn là một triệu chứng mà thai phụ không nên bỏ qua và phải thông báo cho bác sĩ ngay lập tức để được hướng dẫn kịp thời.
Ông Brown cho biết: “Hiện tượng chảy máu ở đầu thai kỳ là khá phổ biến và xảy ra ở 20-30% các ca mang thai trong tam cá nguyệt đầu tiên. Một số ca mang thai xảy ra hiện tượng xuất huyết vẫn tiếp tục có kết quả bình thường. Hiện tượng chảy máu ở giai đoạn sau của thai kỳ thì ít phổ biến hơn”.
Bài báo này sẽ mô tả sự khác biệt giữa chảy máu và rỉ máu trong khi mang thai, mô tả một số nguyên nhân có thể và thảo luận về những việc cần làm khi bị chảy máu.
Rỉ máu & Chảy máu
Rỉ máu khác với chảy máu cả về số lượng máu nhìn thấy được và cách thức xuất hiện của nó
Brown cho hay, rỉ máu khi mang thai là xuất hiện một vài vết máu ở quần lót của thai phụ. Máu chảy ra có màu sáng và không đủ nhiều để phủ hết lớp lót trong quần. Hiện tượng rỉ máu thường chủ yếu xảy ra trong ba tháng đầu tiên của thai kỳ. Nó có thể là một dấu hiệu của hiện tượng “dọa sảy thai”, và đó là lý do tại sao thai phụ nên gọi ngay cho bác sĩ và thường sẽ được yêu cầu siêu âm để xác định xem liệu có thể tiếp tục thai kỳ.
Để so sánh, chảy máu trong thai kỳ là hiện tượng máu chảy nhiều đến nỗi nếu người phụ nữ không lót một miếng băng thấm trong quần thì máu chảy ra có thể làm thấm đẫm quần của người đó.
Mô tả hiện tượng chảy máu
Theo Tổ chức Y tế March of Dimes, thai phụ nên thông báo với bác sĩ khi bắt đầu có hiện tượng chảy máu, và quan sát màu sắc của máu, chẳng hạn như màu đỏ sẫm hoặc nâu sáng, tần suất bị chảy máu như thế nào. Có thể thai phụ cũng sẽ được hỏi là hiện tượng chảy máu đang trở nên nghiêm trọng hơn hay đang giảm dần, có thấy cục máu đông hoặc khối mô chảy ra từ âm đạo hay không, tần suất phải thay băng vệ sinh và có thấy đau khi bị chảy máu không.
Ngay cả khi hiện tượng chảy máu đã dừng lại, người mang thai vẫn nên gọi cho bác sĩ để hiểu lý do tại sao nó xảy ra.
Lời khuyên khi bị chảy máu ồ ạt
Theo March of Dimes, nếu bị chảy máu nhiều hoặc có kèm theo đau hay chuột rút, thai phụ nên gọi ngay cho bác sĩ hoặc đến phòng cấp cứu gần nhất để kiểm tra. Thai phụ cũng cần phải theo dõi cấp cứu ngay lập tức nếu bị chảy máu và kèm theo hiện tượng chóng mặt hoặc có những cơn đau ở vùng bụng hay vùng chậu.
Các nguyên nhân gây chảy máu trong giai đoạn đầu thai kỳ
Chảy máu có thể xảy ra trong suốt giai đoạn đầu của thai kỳ vì những nguyên nhân dưới đây:
Máu báo hiệu trứng đã làm tổ
Brown cho biết: Một số phụ nữ có hiện tượng “chảy máu báo hiệu” xảy ra trong bốn tuần đầu sau khi thụ thai. Hiện tượng chảy máu nhẹ này có thể xảy ra khi trứng đã thụ tinh (phôi thai) gắn vào niêm mạc của tử cung và bắt đầu phát triển.
Quan hệ tình dục
Theo Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), khi một người phụ nữ đang mang thai, hiện tượng chảy máu ở cổ tử cung – đây là phần dưới của tử cung – có thể xảy ra trong quá trình quan hệ tình dục.
Nhiễm trùng
Theo ông Brown, nhiễm trùng âm đạo cũng như nhiễm trùng cổ tử cung – còn được gọi là viêm cổ tử cung có thể gây ra cả hai hiện tượng rỉ máu hoặc chảy máu.
Có thai ngoài tử cung
Ông Brown cho biết, hiện tượng chảy máu hoặc rỉ máu trong thời kỳ đầu khi mang thai có thể là dấu hiệu cho thấy trứng đã thụ tinh không phát triển ở trong tử cung mà đang phát triển ở một nơi khác, hiện tượng thường gặp nhất là trong ống dẫn trứng, hiện tượng này được gọi là thai bị sai vị trí hay thai ngoài tử cung.
Mang thai ngoài tử cung là một ca cấp cứu. Khi có hiện tượng chảy máu xảy ra ở giai đoạn đầu thai kỳ, bác sĩ sẽ cố gắng để xác định xem có phải do thai ngoài tử cung gây ra hay không bằng cách tiến hành siêu âm để kiểm tra nơi phôi thai đang phát triển. Xét nghiệm máu cũng có thể được thực hiện để kiểm tra nồng độ hCG – một loại hormone chỉ xuất hiện khi người phụ nữ đang mang thai. Trường hợp mang thai ngoài tử cung thường có chỉ số hCG thấp hơn so với một ca mang thai bình thường.
Sẩy thai
Theo March of Dimes, hầu như tất cả các phụ nữ bị sẩy thai đều bị chảy máu hoặc rỉ máu trước khi sẩy thai.
Thai trứng
Theo March of Dimes, trường hợp này khá hiếm, còn gọi là chửa trứng, là hiện tượng mô có tăng trưởng bất thường hoặc tạo thành khối u trong tử cung thay vì phát triển thành nhau thai như bình thường. Theo tổ chức Mayo Clinic, một ca thai trứng có thể gây ra các triệu chứng như chảy máu âm đạo màu đỏ tươi hoặc nâu đen trong tam cá nguyệt đầu tiên, buồn nôn và ói mửa nghiêm trọng, và đôi khi hình thành các nang nho trong buồng tử cung. Người phụ nữ có những triệu chứng này thì cần gọi ngay cho bác sĩ chuyên khoa hoặc đi đến phòng cấp cứu của bệnh viện ngay lập tức để có những đánh giá kịp thời.
Nguyên nhân gây chảy máu trong cuối thai kỳ
Theo ACOG, chảy máu nhẹ ở cuối thai kỳ có thể là do viêm cổ tử cung hoặc tăng trưởng ở cổ tử cung
Bệnh trĩ
Khi trọng lượng tăng lên trong quá trình mang thai, trĩ – hiện tượng tĩnh mạch bị sưng ở trực tràng hay hậu môn - đôi khi có thể bị rách và gây chảy máu. Nhưng trĩ không gây chảy máu âm đạo. Thay vào đó, phụ nữ mang thai có thể thấy máu trong bồn cầu sau khi đi vệ sinh hoặc thấy trên giấy vệ sinh sau khi lau.
Nhau bong non
Brown cho biết hiện tượng chảy máu ồ ạt ở cuối thai kỳ, với lượng máu tương đương với khi có kinh nguyệt, có thể là chỉ thị cho những vấn đề về vị trí của nhau thai. Một vấn đề thường gặp là đứt nhau thai, đó là khi nhau bị tách ra khỏi thành tử cung và cung cấp ít ô xy cho bào thai. Đây là tình trạng nghiêm trọng thường xảy ra trong tam cá nguyệt thứ ba, và cần được theo dõi y tế ngay lập tức.
Nhau thai tiền đạo
Một vấn đề khác có thể dẫn đến chảy máu âm đạo là nhau thai tiền đạo. Biến chứng này là khi nhau thai nằm quá thấp trong tử cung, và nó che lấp một phần hay hoàn toàn cổ tử cung.
Sinh non
Theo Mayo Clinic, nếu thai phụ bị chảy máu ồ ạt ở bất kỳ thời điểm nào trước giai đoạn tuần thứ 37 của thai kỳ thì có thể là do hiện tượng sinh non. Theo ACOG, bên cạnh chảy nhiều máu, các dấu hiệu khác của sinh non có thể bao gồm bị sức ép ở bụng dưới hoặc xương chậu, đau lưng, đau bụng và co thắt thường xuyên. Người có các triệu chứng sinh non nên liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.
Đánh giá mức độ chảy máu
Brown cho biết, hiện tượng chảy máu trong khi mang thai có thể đánh giá bởi các xét nghiệm khác nhau cũng như kiểm tra khung xương chậu. Ngoài khả năng sẩy thai, việc kiểm tra có thể giúp bác sĩ xác định các nguyên nhân khác dẫn đến chảy máu hoặc rỉ máu, chẳng hạn như nhiễm trùng, tổn thương cổ tử cung hoặc polyp cổ tử cung (là hiện tượng tăng trưởng ở cổ tử cung mà thường không phải là ung thư)
Theo March of Dimes, siêu âm là bước kiểm tra cần phải thực hiện, một máy quét sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh màu đen và trắng của nhau thai và thai nhi đang phát triển. Siêu âm có thể giúp các bác sĩ phát hiện một nguyên nhân có thể của hiện tượng chảy máu, chẳng hạn như trứng đã thụ tinh phát triển bên ngoài tử cung (mang thai ngoài tử cung), các biến chứng với vị trí nhau thai (bong nhau thai) hoặc có thể bị sẩy thai.
Một số phụ nữ có thể phải tiến hành xét nghiệm máu để đo mức độ hCG. Xét nghiệm máu cũng có thể kiểm tra xem thai phụ có cần phải điều trị cảm ứng Rh - đó là sự không tương thích giữa máu mẹ và thai nhi.
Việc điều trị cho hiện tượng chảy máu trong thai kỳ sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân của nó. Thông thường, cách điều trị chảy máu hoặc xuất huyết đốm là sự nghỉ ngơi.
Anh Thư (Theo Livescience)