1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Chảy máu cam – cần chú ý những gì?

(Dân trí) - Khoảng 60% mọi người từng ít nhất 1 lần bị chảy máu cam, hiện tượng chảy máu ở một hoặc 2 bên lỗ mũi, bất ngờ và không có nguyên nhân rõ ràng.

Chảy máu cam – cần chú ý những gì? - 1

Nguyên nhân gây chảy máu cam

Mũi rất dễ bị tổn thương và chảy máu. Đó là vì mũi có vai trò quan trọng trong việc làm ấm và ẩm luồng không khí chúng ta hít thở. Dưới lớp da mỏng trong lỗ mũi có vô số các mạch máu nhỏ có nhiệm vụ điều hòa nhiệt độ cho luồng không khí đi vào phổi.

Có một số nguyên nhân làm đứt các mạch máu này gây ra hiện tượng chảy máu mũi.

Một cú đập vào mặt có thể gây chảy máu mũi, cho dù xương mũi có bị vỡ hay không. Nhiễm trùng hoặc khô mũi sẽ làm tăng khả năng chảy máu. Một kết quả nghiên cứu đăng trên Tạp chí Phẫu thuật Hộp sọ (Mỹ) cho biết những người bị chảy máu mũi có nguy cơ nhiễm tụ cầu khuẩn cao gấp 7 lần so với người khác.

Thời tiết quá lạnh hoặc quá nóng cũng góp phần gây chảy máu mũi, nhất là khi trời hanh khô thì tình trạng càng nghiêm trọng hơn. Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy vào mùa đông hơn 40% số bệnh nhân đến khoa cấp cứu là do chảy máu cam, và vào mùa nóng khô ở nhiều vùng châu Phi, cũng có nhiều người bị chảy máu cam hơn.

Nếu chảy máu cam do bị đứt các mạch máu phía ngoài thì máu thường chảy ra ngoài, còn do các mạch máu phía trong bị đứt thì máu thường chảy xuống cổ, và người bị thường nhổ ra hoặc nuốt vào bụng. Đôi khi, có bệnh nhân nôn ra máu nhưng không phải do xuất huyết nội tạng mà do vô tình trước đó nuốt phải máu do chảy máu cam mà không biết.

Những ai dễ bị chảy máu cam?

Trẻ em dễ bị hơn người lớn, nhưng cũng chỉ bị nhẹ và thường là chảy máu phía ngoài. Thường thì máu tự ngừng chảy mà không cần phải đi gặp bác sĩ. Trong số trẻ phải đến gặp bác sĩ thì đến 93% là chỉ cần điều trị đơn giản, như là ép chặt chỗ vết thương bằng cách nút bông. Trẻ nhỏ hay có tật cạy gỉ mũi, việc này cũng dễ gây tổn thương lớp da mỏng bên trong lỗ mũi gây chảy máu.

Nhóm thứ hai có nguy cơ là người già trên 65 tuổi và có thể bị nặng hơn. Ở tuổi này, chảy máu mũi có thể là biểu hiện của vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn, ví dụ như rối loạn máu chảy máu đông, viêm xoang mãn tính, hoặc ung thư bạch cầu.

Người sử dụng thuốc chống đông máu, thuốc xịt mũi có chứa steroid cũng dễ bị chảy máu cam.

Chảy máu cam phía trong nhìn chung ít xảy ra hơn nhưng lại hay gặp ở người già. Vấn đề này cũng khó xử lí hơn và thậm chí có thể kéo dài nhiều giờ.

Mất máu nhiều đôi khi dẫn đến tình trạng thiếu máu hoặc cần được truyền máu. Tuy nhiên nguy cơ thiệt mạng do chảy máu cam là cực kì thấp. Trong số 2,4 triệu ca tử vong ở Mỹ trong năm 1999 thì có 4 ca là do chảy máu cam.

Làm gì khi bị chảy máu cam?

Nhiều người hay luống cuống khi gặp tình huống này vì không biết sẽ bị bao lâu và mất nhiều máu hay chưa. Nhưng nhìn chung thì không đáng phải lo ngại như vậy.

Hãy làm theo chỉ dẫn sơ cứu thông thường. Để bệnh nhân ngồi xuống ghế và giữ yên lặng, hơi cúi đầu ngả người về phía trước để tránh máu chảy xuống họng và dùng ngón tay ép cánh mũi lại hoặc nhét miếng bông y tế vào mũi.

Nếu bị nặng, máu vẫn tiếp tục chảy lâu hơn 30 phút hoặc chảy máu do bị va đập mạnh vào đầu hoặc chảy máu do tác dụng phụ của một loại thuốc nào đó, thì phải đến gặp bác sĩ ngay.

Nếu bạn hay bị chảy máu cam, có thể thử dùng thuốc xịt chống xung huyết (làm giảm ngạt mũi) hoặc bôi thuốc làm mềm, giữ ẩm cho niêm mạc mũi, như Vaseline.

Phạm Hường (Theo The Conversation)