Cây cổ đại 60.000 năm tuổi chứa vi khuẩn giúp sản xuất kháng sinh mới
(Dân trí) - Các vi khuẩn được tìm thấy ở vùng biển ngoài khơi bờ biển Alabama được cho có tiềm năng to lớn, hứa hẹn có thể tạo ra các loại thuốc kháng sinh mới, ít tốn kém hơn nhiều so với hiện tại.
Văn phòng thăm dò và nghiên cứu đại dương (OER) của NOAA trong quá trình thực hiện khảo sát khu vực hệ thực vật của rừng cổ xưa dưới nước ở Vịnh Mexico tin rằng giun thuyền cùng một số các sinh vật biển khác sống trong các thân cây 60.000 năm tuổi, nằm dưới độ sâu khoảng hơn 20m dưới nước có thể được sử dụng trong ngành dược phẩm.
NOAA đã công bố những thông tin mới về khu vực dưới nước đặc biệt này và các nhà nghiên cứu dự kiến sẽ công bố những phát hiện đầu tiên của họ từ chuyến đi trong vòng vài tháng tới.
Dự án đầy tham vọng này được thực hiện bởi một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Đông Bắc và Đại học Utah. Các nhà nghiên cứu hiện đang tiếp tục phân tích các khúc gỗ được kéo từ độ sâu hơn 20m lên bờ và phát hiện ra giun thuyền cùng các động vật biển khác với khoảng 300 loài mới.
Theo Margo Haygood, một nhà sinh học phân tử tại Đại học Utah, bằng cách tách gỗ các nhà khoa học đã tìm thấy tất cả các loại sinh vật trong các mẫu đó, nhưng chắc chắn sẽ có nhiều hơn những gì đã phát hiện ra trong thời gian tới.
Hơn 300 động vật đã được lấy ra khỏi gỗ và được xác định. Trong đó nghiên cứu đã phát hiện ra khoảng 100 chủng vi khuẩn.
Tiềm năng trong lĩnh vực Y học là rất lớn vì các hợp chất thuốc do vi khuẩn cộng sinh tạo ra ít có khả năng gây độc cho động vật hơn vi khuẩn sống tự do. Quan trọng hơn cả là chúng có thể dễ dàng sinh sản hơn ở nhiệt độ thấp hơn và trong điều kiện công nghiệp ít nghiêm ngặt hơn.
Trang Phạm
Theo Sputnik