1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Cao răng cổ đại cho thấy người Mông Cổ đã biết sử dụng sữa từ 3.000 năm trước

(Dân trí) - Các dấu vết protein trên răng giúp khẳng định các loại sữa bò và cừu đã được tiêu thụ ở Mông Cổ từ năm 1300 trước Công nguyên.

Cao răng cổ đại cho thấy người Mông Cổ đã biết sử dụng sữa từ 3.000 năm trước - 1

Bò Tây Tạng, một trong 7 loài gia súc nuôi lấy sữa ở Mông Cổ ngày nay, giống như tổ tiên của chúng 3.000 năm trước. Ảnh: C. Warinner

Người Mông Cổ hiện đại có nhu cầu lớn về sữa: 1/3 lượng calo hàng ngày của họ là từ các sản phẩm sữa. Bảy loài gia súc khác nhau được nuôi lấy sữa, từ bò đến lạc đà. Nhưng dù truyền thống chăn nuôi ở đây đã có từ hàng nghìn năm, rất khó để chứng minh bằng các hiện vật khảo cổ do lối sống du mục hầu như không để lại dấu vết hay hiện vật gì, ví dụ như những bình đựng sữa.

Vì vậy, nhà nhân chủng học phân tử Christina Warinner và các đồng nghiệp của cô đã chuyển hướng tiếp cận sang những bộ xương được tìm thấy trong 22 ngôi mộ thuộc văn hóa Deer Stone, tộc người sống ở thảo nguyên phía Đông Mông Cổ khoảng năm 1300 trước Công nguyên.
Kết quả phép đo phổ cho thấy mảng bám răng cứng, hay cao răng, trên răng của bộ xương chứa dấu vết protein từ sữa. Warinner , thành viên Viện Khoa học Lịch sử Nhân loại Max Planck ở Đức, công bố nghiên cứu trên ngày 16 tháng 2 tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội vì Sự tiến bộ Khoa học Mỹ (AAAS). Những protein này cho thấy người du mục thời cổ đại uống sữa từ bò, bò Tây Tạng, dê và cừu, nhưng họ không chăn nuôi lạc đà và tuần lộc như ngày nay.

Cao răng cổ đại cho thấy người Mông Cổ đã biết sử dụng sữa từ 3.000 năm trước - 2

Kết quả phân tích cao răng từ những chiếc răng trong nghĩa trang cổ niên đại khoảng 1300 năm trước Công nguyên cho thấy chủ nhân đã dùng nhiều thực phẩm làm từ sữa. Ảnh: C. Warinner.

Phân tích DNA của người Mông Cổ cổ đại khẳng định họ không thể tiêu hóa được lactose (đường sữa), kể cả khi trưởng thành. Thay vào đó, dân Deer Stone, giống như người Mông Cổ hiện đại, có thể đã nhờ hệ vi khuẩn đường ruột để phân tách đường sữa thành galactose và glucose, Warinner nói.

95% người Mông Cổ hiện đại cũng không thể tiêu hóa được lactose. Vậy họ làm sao dùng được thực phẩm từ sữa? Sữa tươi vắt ra được chế biến thành sữa đông đặc phơi khô (aaruul), sữa chua, sữa chua kefir, một loại rượu sữa nhẹ (shimiin arkhi) và sữa lên men (kumis). Quá trình đó giúp lactose được các vi khuẩn lên men chuyển hóa thành axit lactic mà cơ thể hấp thu dễ dàng, cũng như giúp thực phẩm có thể bảo quản lâu dài. Tổ tiên của họ có lẽ cũng đã làm như vậy.

Trước đó, nhóm của Warinner cũng đã phát hiện ra protein sữa trong cao răng của một bộ xương người Tarta từ Thời đại đồ đồng ở Châu Âu (3000 năm trước Công nguyên). Các mảng cao răng lưu lại thông tin ít ỏi về hầu hết sự kiện trong cuộc đời của một người, từ sữa uống đến bụi hít phải khi làm việc trong môi trường ngột ngạt.

Tùng Anh

Theo Sciencenews