Cảnh giác món ăn nhiều đạm, giàu canxi nhưng lại chứa đầy thứ đáng sợ này
(Dân trí) - Hải sản sống dưới nước nên thường mang theo nhiều ký sinh trùng gây hại. Cần vô cùng cảnh giác khi dùng chúng làm thực phẩm.
Hải sản tươi sống là thứ đồ ăn chứa nhiều đạm, ít chất béo, giàu canxi và thơm ngon nên rất được ưa chuộng tại các bữa ăn của gia đình người Việt.
Điều đặc biệt là những loại hải sản này nếu được ăn sống thì luôn có hương vị đặc biệt, cũng như chất dinh dưỡng sẽ được bảo toàn hơn so với khi nấu chín. Đây cũng được coi là mặt hàng cao cấp hơn so với thịt gà, thịt lợn.
Tuy nhiên, nếu không biết cách chọn lựa hay sơ chế loại thực phẩm này, bạn có thể đối mặt nguy cơ nhiễm bệnh từ giun sán, cũng như các ký sinh trùng đang ẩn náu trong hải sản sống.
Nguy cơ từ thói quen ăn hải sản sống
Cách đây không lâu, một nhóm bác sĩ từ Bồ Đào Nha đã lên tiếng cảnh báo sau khi một người đàn ông 32 tuổi nhập viện vì đau bụng bên dưới xương sườn, kèm triệu chứng nôn mửa và sốt nhẹ. Tất cả triệu chứng kéo dài suốt tuần.
Nội soi sau đó cho thấy thủ phạm là ấu trùng của một loại giun tròn Anisakis. Trong khi bệnh nhân cũng tiết lộ rằng gần đây anh ta có ăn sushi.
Sau khi ấu trùng được tẩy sạch khỏi cơ thể, người đàn ông phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, các bác sĩ lưu ý rằng tình trạng nhiễm giun ký sinh Anisakis có thể khá phổ biến nếu như thường xuyên ăn cá biển hay hải sản sống.
Theo các tài liệu, giun tròn Anisakia sống ký sinh ở các loại cá biển như cá voi, hải cẩu, cá heo. Dựa trên dây chuyền "cá ăn cá", bệnh lây lan sang nhiều loài cá mà con người hay ăn như: cá mực, cá thu, cá mòi, cá tuyết, cá bơn, cá đá, cá hồi, cá ngừ và các loại cá biển khác, với tỷ lệ nhiễm bệnh của cá biển lên tới 80%.
Đối với các loài động vật thân mềm, nhuyễn thể (ngao hến, hàu, móng tay, tu hài) thì nguy cơ chúng chứa ký sinh trùng thậm chí còn cao hơn. Nguyên nhân là bởi các loài này sống ở vùng đáy, ăn bùn, tảo và phù du nên rất dễ tiếp xúc với vi khuẩn, ký sinh trùng. Trong đó, dễ gặp nhất là sán, đặc biệt là với hàu sống ở vùng cửa biển.
Các loài tôm, cua cũng không hề an toàn, khi chúng là nơi trú ẩn ưa thích của vô số các loại giun, sán ký sinh, điển hình như Paragonimus westermani - khiến người ăn sống chúng mắc chứng bệnh ho ra máu (paragonimiasis). Các loài cá thì thường rất dễ bị nhiễm sán lá gan.
Theo một thống kê từ những năm 1970, tỷ lệ nhiễm bệnh từ các loại giun ký sinh đã tăng trên toàn cầu gấp 283 lần.Trong đó, chất lượng của hải sản có mối liên hệ mật thiết đến môi trường sinh trưởng.
Cụ thể, nếu là hải sản tự nhiên đánh bắt ở biển thì thường chứa ít kim loại nặng và ký sinh trùng trong cơ thể. Nhưng nếu nuôi nhân tạo với môi trường chăn nuôi kém thì hải sản rất dễ bị ô nhiễm, thậm chí còn gây tích tụ nhiều kim loại nặng.
Ăn hải sản sống đúng cách thế nào?
Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm (FSA) của châu Âu khuyến cáo những người thích làm các món tươi sống tại nhà rằng cá và thịt phải được xử lý đúng cách theo hướng dẫn của nhà sản xuất, phải đảm bảo rằng tất cả các bộ phận, đặc biệt là phần dày nhất, bị đóng băng ít nhất 4 ngày trong tủ lạnh ở mức -15 độ C hoặc thấp hơn.
Phương pháp vắt chanh vào hàu và các loại hải sản khác (gọi là tái chanh) thực ra không hề hiệu quả như nhiều người vẫn lầm tưởng. Khoa học chứng minh chanh chỉ làm mùi vị ngon thêm, chứ không hề có tác dụng diệt khuẩn, diệt ký sinh trùng.
Trong khi đó, cách đơn giản và hiệu quả nhất vẫn là nấu chín bởi nước sôi. Hầu hết giun sán hoặc trứng hay ấu trùng của chúng đều bị tiêu diệt bởi nhiệt độ nước sôi trong thời gian nấu chín hải sản.
Chẳng hạn, ấu trùng giun Anisakia trong cá biển bị chết khi nấu ở nhiệt độ 60 độ C hoặc làm lạnh đến -20 độ C trong 3 - 7 ngày nhưng chúng không chết khi ngâm muối, tẩm nước sốt hay hun khói lạnh chưa tới 60 độ C.
Khi chế biến cá, nên loại bỏ nội tạng cá vì ấu trùng trong cá thường tồn tại dưới dạng giun xoắn hoặc cuộn chặt, không màu trong các ổ tròn có đường kính khoảng 3mm hoặc ấu trùng màu đỏ tía nằm tự do trong cơ hoặc nội tạng, rất khó nhìn.
Trong khi đó, những loại hải sản có vỏ như ngao, sò, bào ngư, hàu... thường chứa nhiều ký sinh trùng hơn do có lớp vỏ khiến chúng ta khó làm sạch hoàn toàn được bên trong.