1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Cảnh báo khẩn ở Nhật sau khi siêu thị vô tình bán cá cực độc

(Dân trí) - Một siêu thị tại Nhật Bản đã vô tình bán cá nóc – loại cá có nọc độc có thể gây nguy hiểm chết người – cho khách.

Cảnh báo khẩn ở Nhật sau khi siêu thị vô tình bán cá cực độc - 1

Các cơ quan y tế ở thành phố Gamagory, Nhật đã buộc phải kích hoạt hệ thống cảnh báo khẩn cấp vào thứ hai sau khi một siêu thị địa phương vô tình bán năm gói cá nóc có thể gây chết người cho khách hàng.

Loại cá này, ở Nhật được gọi là fugu, được đánh giá là cao lương mỹ vị, nhưng cũng bị gán cho cái tên “Ru-lét Nga” của bữa ăn vì nó chứa một chất độc nguy hiểm là tetrodotoxin, có thể gây chết người nếu ăn phải.

Trên thực tế, kể từ năm 2006, ít nhất 10 người Nhật đã chết vì ăn phải loại cá độc này, và trước đó từng có tình huống tồi tệ hơn rất nhiều – số người tử vong vì cá fugu đạt đỉnh điểm vào năm 1958 với 176 nạn nhân, thời điểm nhận thức về mối nguy hiểm này còn thấp.

Kể từ đó, các đầu bếp chuyên về fugu phải trải qua ba năm học nghề nghiêm ngặt để có thể lấy được giấy phép hành nghề để chế biến món hải sản nổi tiếng này. Quá trình đào tạo đảm bảo họ biết cách chế biến cá an toàn cho thực khách.

Quá trình chuẩn bị yêu cầu cẩn thận với các phần của cá tập trung chất độc tetrodotoxin: buồng trứng, thận, da, mắt, ruột, và – bộ phận nguy hiểm nhất – gan.

Mặc dù độc, những phần này sẽ được chuẩn bị kĩ hơn bởi những đầu bếp có tay nghề cao nhất làm tại những nhà hàng cao cấp để chúng chỉ có đủ độc khiến môi bạn ngứa.

Nhưng tuần này, một loạt gan cực độc của loại cá này đóng gói sẵn được bày bán tại quầy cá tươi của một siêu thị ở Gamagory, tỉnh Aichi.

Những miếng gan này chưa được bỏ khỏi những hộp Sphoeroides pachygaster (tức cá nóc đầu bẹt, hay yorito fugu), một trong những loài cá nóc có độc.

Theo báo cáo, người phụ trách bộ phận hải sản của siêu thị Super Tatsuya có vẻ không biết rõ mọi chuyện, đã bán gan cá nóc trong một thời gian.

Nhân viên này nói với các cơ quan chức năng: “Độc tính (của gan yorito fugu) không cao, và tôi chưa từng nghĩ là nó có độc”.

Lời giải thích đó không được cơ quan y tế địa phương chia sẻ - vì việc bán gan cá nóc ở Nhật bị cấm do độc tố. Cơ quan y tế địa phương đã phát một báo động khẩn trên loa phát thanh thành phố, sau khi năm gói cá có thể gây chết người được bán cho những khách hàng không biết gì.


Kênh ANN News của Nhật đưa tin.

Kênh ANN News của Nhật đưa tin.

Cán bộ địa phương Koji Takayanagy nói với tờ Thời báo Nhật: “Chúng tôi đang kêu gọi các cư dân tránh ăn fugu thông qua hệ thống không dây khẩn cấp của thành phố Gamagory”.

Lời cảnh báo kêu gọi những khách hàng đã mua: “Đừng ăn chúng, và trả lại cho siêu thị”. Bốn người trong số đó đã trả lại gói cá nguyên vẹn.

Lời cảnh báo đến quá muộn đối với vị khách thứ năm vì người này đã ăn cá.

Dù vậy, may mắn là có vẻ như không ai bị ảnh hưởng. Vị khách thứ năm đã liên hệ với Trung tâm Y tế Công cộng Toyokawa để báo rằng họ đã ăn cá nhưng mọi người vẫn “ổn”.

Việc không ai bị bệnh (hay tệ hơn) giúp lí giải lời của nhân viên siêu thị rằng không phải tất cả gan cá nóc đều gây chết người. Có ít nhất 191 loại cá, và mức độc tố rất khác nhau.

Tuy nhiên, tất cả gan cá nóc đều bị cấm bán ở Nhật. Ở Mỹ, chỉ có cá nóc được xử lý đúng cách mới có thể được nhập khẩu từ Nhật, trong khi các hàng nhập khẩu khác bị cấm.

Và đó có lẽ là một ý tưởng hay, vì niềm tin vững chắc vào việc có thể an toàn ăn cá nóc đã mang lại rắc rối cho nhiều người ăn hải sản.

Nạn nhân nổi tiếng nhất của loài cá này, diễn viên Kabuki đáng kính toàn quốc Bando Mitsugoro VIII, đã khoe khoang với bạn bè là ông ta có khả năng chịu được nọc độc của cá vì đã ăn gan cá fugu tại một nhà hàng ở Kyoto vào năm 1975.

Vài giờ sau ông ta được phát hiện đã chết trong phòng khách sạn.

Sau vụ lùm xùm - độc hay không - người đứng đầu chuỗi siêu thị đã quyết định rằng việc bán cá nóc không phù hợp cho việc kinh doanh.

“Tôi rất xin lỗi. Chúng tôi sẽ không bao giờ bán cá nóc nữa”, chủ tịch của Super Tatsuya nói với tờ The Asahi Shimbun.

Lộc Ninh (Theo Science Alert)