1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Căng thẳng trong công việc có thể gây hại cho tim

(Dân trí) - Những người làm việc căng thẳng cường độ cao có nhiều khả năng phát triển rối loạn rung tâm nhĩ - hình thức phổ biến nhất của chứng loạn nhịp tim (tim đập không đều). Ví dụ như lái xe buýt, điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân và làm việc trên dây chuyền lắp ráp

Đây là kết luận từ một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Thụy Điển về sự căng thẳng trong công việc. Hiện nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí European Journal of Preventive Cardiology.

Căng thẳng trong công việc có thể gây hại cho tim - 1

Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy mối liên quan giữa những áp lực công việc với bệnh tim, động mạch vành, nhưng liệu nó có liên quan đến bệnh rung tâm nhĩ (A-fib) hay không thì chưa rõ ràng.

Theo tác giả đầu tiên nghiên cứu Eleanor I. Fransson, một giáo sư dịch tễ học của Trường Đại học Jönköping (Thụy Điển), A-fib là một tình trạng phổ biến với hậu quả nghiêm trọng và do đó nó có tầm quan trọng lớn đối với sức khỏe cộng đồng và cần phải tìm cách ngăn ngừa nó”.

A-fib và hậu quả

A-fib ảnh hưởng đến hàng triệu người ở Hoa Kỳ. Nó xảy ra khi hai buồng trên của tim (tâm nhĩ) đập bất thường và làm gián đoạn lưu lượng máu đến hai buồng dưới (tâm thất).

Tình trạng này có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn, làm gia tăng nguy cơ đột quỵ. Một người mắc chứng bệnh A-fib sẽ có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 5 đến 6 lần so với người không mắc.

Bên cạnh tình trạng tim đập bất thường, những người mắc bệnh A-fib cũng có thể trải qua các tình trạng như đau ngực, đánh trống ngực (cảm giác rung hoặc đập trong tim), khó thở, cảm giác chóng mặt và khó chịu. Tuy nhiên, một số người mắc bệnh A-fib có thể không có triệu chứng và thậm chí không nhận ra rằng họ mắc phải.

Mỗi năm tại Hoa Kỳ, A-fib chịu trách nhiệm về việc khiến cho hơn 750.000 người phải nhập viện và góp phần làm cho 130.000 trường hợp tử vong. Những ca tử vong mà trong đó A-fib là nguyên nhân chính hoặc nguyên nhân phụ thêm vào đã tăng lên suốt trong vòng 20 năm.

Các chi phí điều trị liên quan đến A-fib là rất đáng kể. Nhìn chung, gánh nặng này ở Mỹ lên đến 6 tỷ USD mỗi năm. Hóa đơn y tế hàng năm trung bình để điều trị một bệnh nhân mắc bệnh A-fib cao hơn 8.705 đô-la so với những người không mắc.

Mô hình kiểm soát các nhu cầu công việc

Để đánh giá sự căng thẳng áp lực của công việc, Giáo sư Fransson và nhóm nghiên cứu đã sử dụng một thước đo về căng thẳng công việc dựa trên mô hình kiểm soát nhu cầu công việc. Nó là một trong những mô hình nghiên cứu rộng rãi nhất về áp lực căng thẳng công việc.

Đối với nghiên cứu của họ, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một bảng câu hỏi của Thụy Điển trên cơ sở của mô hình. Nó bao gồm năm mục về nhu cầu công việc và sáu mục điều khiển công việc.

Các câu hỏi đặt ra cho từng người như là:

• Có “làm việc rất chăm chỉ hoặc rất mau lẹ"

• Trải qua các xung đột trong công việc

• Có đủ thời gian để hoàn thành các nhiệm vụ

• Phải hoàn thành rất nhiều nhiệm vụ lặp đi lặp lại

• Có thể quyết định công việc cần làm và cách thực hiện

Liên kết giữa làm việc căng thẳng và A-fib

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu trên 13.200 cá nhân là những người được tạo thành “mẫu nhóm đại diện nhóm dân số làm việc” của Thụy Điển. Họ được tuyển dụng vào năm 2006, 2008 và 2010 để tham gia Cuộc khảo sát sức khỏe nghề nghiệp theo chiều dọc Thụy Điển (SLOSH).

Không ai trong số những người tham gia mắc A-fib hoặc có tiền sử rối loạn rung tâm nhĩ khi họ tham gia nghiên cứu và họ cũng không có tiền sử suy tim hoặc đau tim.

Tất cả họ đều được tuyển dụng vào làm việc, và tất cả đều đã hoàn thành một bảng câu hỏi khi họ bước vào nghiên cứu bao gồm các câu hỏi nhân khẩu học thông thường cộng với những câu hỏi khác về sức khỏe, lối sống và công việc chuyển đến qua đường bưu điện.

Nghiên cứu theo dõi nhóm này trung bình 5,7 năm. Sử dụng sổ đăng ký quốc gia, các nhà nghiên cứu đã xác định có 145 trường hợp mắc bệnh A-fib trong giai đoạn này.

Các phân tích dữ liệu SLOSH sau khi điều chỉnh theo độ tuổi, giới tính và trình độ giáo dục cho thấy rằng sự căng thẳng đối với công việc có mối liên quan đến nguy cơ mắc bệnh A-fib là gần 50%.

Nguy cơ vẫn giữ nguyên khi nhóm nghiên cứu tiếp tục điều chỉnh kết quả để tính đến hiệu quả của việc tập thể dục, hút thuốc, huyết áp và chỉ số khối cơ thể (BMI).

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích sâu hơn trong đó dữ liệu SLOSH được gộp chung với dữ liệu từ hai nghiên cứu tương tự khác. Điều này cho thấy rằng sự căng thẳng trong công việc có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh A-fib cao hơn 37%.

"Áp lực công việc nên được xem là yếu tố nguy cơ cần phải thay đổi để có thể ngăn ngừa rung tâm nhĩ và bệnh tim mạch vành”, Giáo sư Eleonor I. Fransson nói.

P.T.T-NASATI (Theo Medical News Today)