1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Cận cảnh robot siêu nhỏ có khả năng vá vết thương bên trong cơ thể con người

(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu của Viện công nghệ Massachusetts (MIT) đang phát triển một loại robot có kích thước nhỏ, đủ để nuốt vào người, từ đó thực hiện việc vá các vết thương hoặc loại bỏ các vật thể nuốt nhầm bên trong cơ thể người bệnh. Robot này thậm chí còn có thể thực hiện vi phẫu trên mô mềm.

Lấy ý tưởng từ nghệ thuật ghép giấy origami của người Nhật, robot do MIT phát triển sẽ được gấp gọn bên trong một viên con nhộng bằng đá lạnh, sau khi được nuốt vào người và khi lớp đá lạnh tan chảy, robot sẽ được mở rộng và bắt đầu công việc của mình.

Cụ thể, khi viên đá tan ra trong cơ thể, robot sẽ tự mở rộng như khi tháo mở một tờ giấy được gấp gọn trước đó để trở về trạng thái thông thường. Khi trở về hình dạng thường, robot sẽ được điều khiển bởi một bác sĩ bên ngoài, di chuyển xung quanh dạ dày để vá lại những vết thương nhỏ đang tồn tại bên trong cơ thể người bệnh.

Robot cỡ nhỏ của MIT được lấy ý tưởng từ nghệ thuật ghép giấy origami của Nhật Bản
Robot cỡ nhỏ của MIT được lấy ý tưởng từ nghệ thuật ghép giấy origami của Nhật Bản

Trên thực tế, robot này không có chức năng thực hiện một phẫu thuật lớn, nhưng sẽ có khả năng vá lại các vết thương nhỏ trong dạ dày hoặc loại bỏ các vật thể bị nuốt nhầm hoặc thực hiện vi phẫu trên mô mềm... Những gì bệnh nhân phải làm là nuốt viên con nhộng có chứa robot này vào bụng và nó sẽ xử lý vấn đề.

Robot có kích thước dài chỉ một cm và cân nặng chỉ khoảng 1/3g. Robot được trang bị một nam châm cỡ nhỏ để có thể hút các vật thể bị nuốt nhầm trong bụng người bệnh (chẳng hạn như viên pin), sau đó sẽ được thải loại qua đường tiêu hóa.

“Chúng tôi đang phát triển một công nghệ y tế có khả năng tự chủ nhưng đảm bảo an toàn”, Giáo sư Daniela Rus tại Khoa máy tính và Phòng nghiên cứu trí tuệ nhân tạo của MIT cho biết. “Thách thức lớn nhất là làm thế nào xây dựng một robot y tế an toàn trong cơ thể và để giải quyết thách thức này đòi hỏi sử dụng vật liệu an toàn khi nuốt vào người”.

Dĩ nhiên, sử dụng các vật liệu quen thuộc để tạo nên robot như kim loại và nhựa là điều không thể, do vậy các nhà khoa học đã lựa chọn chất liệu liên quan đến thực phẩm. Sau một quá dài nghiên cứu, cuối cùng các nhà khoa học của MIT đã sử dụng thịt lợn cứng (loại vỏ cứng bọc bên ngoài xúc xích tươi) để tạo nên các thành phần bọc bên ngoài robot của mình.

Các nhà khoa học cho biết hiện tại “robot xếp giấy” của mình vẫn đang ở quá trình thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và dự kiến sẽ được thử nghiệm trong dạ dày của động vật trong vòng 3 đến 4 năm tới trước khi được thử nghiệm trên con người trong 4 năm tiếp theo.

Các nhà khoa học cho biết bước tiếp theo sẽ trang bị thêm các cảm biến tinh vi hơn giúp robot tự hoạt động không cần điều khiển bên ngoài để có thể tự vá lại các vết thương bên trong cơ thể của người bệnh.

T.Thủy
Theo DigitalTrends/HP