1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Cận cảnh loài thủy quái cổ đại có hộp sọ tựa như "bồn cầu"

Minh Khôi

(Dân trí) - Cấu trúc hộp sọ của loài thủy quái này đặc biệt tới mức, chúng hoàn toàn khác biệt so với những sinh vật sống ở cùng thời kỳ.

Cận cảnh loài thủy quái cổ đại có hộp sọ tựa như bồn cầu - 1

Hình vẽ mô tải ngoại hình của loài thủy quái Gaiasia jennyae (Ảnh: SA).

Gaiasia jennyae (viết tắt: G. jennyae) là tên khoa học của một sinh vật cổ đại mới được các nhà khảo cổ phát hiện thời gian gần đây.

Dựa trên mẫu hóa thạch được tìm thấy, các nhà nghiên cứu mô tả loài G. jennyae có niên đại cách đây khoảng 280 triệu năm, vào đầu kỷ Permi, tức trước khi cả khủng long xuất hiện.

Chúng chủ yếu sống ở đầm lầy, có ngoại hình tựa như kỳ nhông với 4 chân, nhưng có đuôi giống cá, giúp chúng dễ dàng bơi lội dưới nước. Sinh vật này còn có kích thước hộp sọ rất lớn, cùng với những chiếc răng nanh tua tủa mọc ra bên trong.

"Khi tìm thấy mẫu vật này, chúng tôi thực sự bị sốc vì trông nó như một tảng đá khổng lồ", Claudia Marsicano, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Buenos Aires (Argentina), cho biết.

"Tôi ngay lập tức cho rằng đó là một thứ hoàn toàn khác biệt. Tất cả chúng tôi đều rất phấn khích".

Được biết, G. jennyae sở hữu kích thước lớn hơn đáng kể so với một người trưởng thành, và có lẽ chúng thường sống ở gần đáy đầm lầy hoặc các hồ.

Điểm thú vị ở sinh vật này là nó có một cái đầu to, phẳng, trông tựa như bồn cầu. Cấu trúc hộp sọ này cho phép nó mở miệng và hút con mồi vào bên trong, tựa như loài cá voi xanh sống ở đại dương.

Cận cảnh loài thủy quái cổ đại có hộp sọ tựa như bồn cầu - 2

Bộ xương gần như hoàn chỉnh của Gaiasia jennyae mô tả chính xác ngoại hình kì dị của nó (Ảnh: SA).

Tuy nhiên, G. jennyae có lẽ nguy hiểm hơn vì chúng còn sở hữu những chiếc răng nanh khổng lồ, mọc tua tủa và đan xen lẫn nhau, có nhiệm vụ kết liễu, hoặc gây trọng thương cho các "nạn nhân" xấu số.

Theo các nhà nghiên cứu, loài thủy quái này có khả năng di chuyển dưới nước khá chậm, và chúng dựa vào cách săn mồi phục kích, thay vì truy đuổi con mồi.

Dẫu vậy, cơ hội để các sinh vật thời tiền sử thoát khỏi nanh vuốt của loài thủy quái này là rất thấp. "Chúng có kích thước khổng lồ, và dường như là loài săn mồi đứng đầu chuỗi thức ăn trong hệ sinh thái của nó", Jason Pardo, nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Field (Mỹ), cho biết.

Đây là một khám phá quan trọng, vì có rất nhiều nhóm động vật xuất hiện vào cùng thời gian này, nhưng khoa học lại chưa thực sự biết về nguồn gốc của chúng.

Các nhà nghiên cứu cho rằng thông qua phân tích hóa thạch của G. jennyae, họ có thể mở ra thông tin chưa từng được hé lộ về những sinh vật 4 chân đầu tiên trên thế giới.

Theo www.sciencealert.com