1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Cận cảnh chuỗi dây chuyền chiết lon và đóng hộp tự động công suất 50.000 lon/giờ

(Dân trí) - Nhận thấy chuỗi dây chuyền chiết lon, đóng hộp tự động ở nước ngoài giá thành quá cao, của Trung Quốc dù rẻ nhưng chất lượng thấp…Thạc sỹ Trần Văn Trà, công ty CP Tập đoàn Hương Sen đã miệt mài nghiên cứu cải tiến, thiết kế chế tạo, đồng bộ hóa thành công chuỗi dây chuyền chiết lon và đóng hộp tự động công suất 50.000 lon/giờ. Tác giả vừa được Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016 vinh danh ở lĩnh vực khoa học công nghệ.

Cận cảnh chuỗi dây chuyền chiết lon và đóng hộp tự động công suất 50.000 lon/giờ

Nhận thấy ở nước ta hiện nay chưa có một chuỗi dây chuyền chiết lon, đóng hộp từ đồng nào, mà đa phần đều nhập khẩu từ nước ngoài, chủ yếu từ Đức, Italia và Trung Quốc với giá thành rất đắt đỏ.

Riêng ở Đức và Italia có một số hãng sản xuất thiết bị, dây chuyền chiết lon và đóng hộp theo công suất 50.000 lon/giờ nhưng giá thành cao, khoảng 4,5 triệu Euro, tương đương 120 tỷ đồng. Của Trung Quốc sản xuất, dù giá thấp hơn nhưng chất lượng, tuổi thọ thấp, tiêu tốn nhiều điện năng và tỷ lệ hao phí sản phẩm cao.

Thạc sỹ Trần Văn Trà, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hương Sen tác giả chuỗi dây chuyền chiết lon và đóng hộp tự động công suất 50.000 lon/giờ
Thạc sỹ Trần Văn Trà, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hương Sen tác giả chuỗi dây chuyền chiết lon và đóng hộp tự động công suất 50.000 lon/giờ

Nung nấu ý định sẽ cải tạo, thiết kế lại chuỗi dây chuyền chiết lon và đóng hộp tự động, hạc sỹ Trần Văn Trà, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hương Sen, đã nghiên cứu, cải tiến, thiết kế chế tạo, đồng bộ hóa thành công chuỗi dây chuyền chiết lon và đóng hộp tự động công suất 50.000 lon/giờ, với giá thành giảm gần 3/4 giá thành nhập khẩu.

Chuỗi dây chuyền chiết lon và đóng hộp tự động công suất 50.000/lon/giờ được Thạc sỹ Trần Văn Trà thiết kế theo hướng đơn giản hóa, dựa trên cơ sở sử dụng các nguyên, vật liệu sẵn có trong nước như: cáp bọc nhựa, bộ nâng hạ thủy lực của xe nâng… thay cho các vật tư, thiết bị đặc chủng của các hãng cung cấp thiết bị chuyên nghiệp nên giá thành rẻ, dễ tìm đồ thay thế khi hỏng. Trong dây chuyền, ngoài một số hệ thống được nhập khẩu, các sản phẩm còn lại do tác giả cải tiến và chế tạo mới hoàn toàn.

Nguyên lý hoạt động của dây chuyền là hoạt động tự động với hệ thống điều khiển thông minh có kết nối tín hiệu giữa các hệ thống nhằm đạt công suất, chất lượng cao, giảm thiểu lỗi sản phẩm trong quá trình vận hành.

Quy trình chiết lon, đóng hộp hoàn toàn khép kín và được giám sát chặt chẽ. Vỏ lon sau khi được cấp vào dây chuyền bằng máy cấp lon rỗng sẽ được đưa tới hệ thống băng tải lon rỗng. Băng tải có chức năng chuyển lon rỗng từ máy này đến máy khác sao cho đủ số lượng và không bị bẹp, méo, xước.

Sau đó vỏ lon được chuyển qua hệ thống súc rửa trước khi chiết. Vỏ lon đã được rửa sạch được đưa tới máy chiết lon, ghép mí, cấp nắp và máy kiểm tra mức chiết, máy thanh trùng. Sau quá trình thanh trùng và xì khô lon, các sản phẩm đóng lon được di chuyển bằng băng tải sau thanh trùng và in mã.

Chuỗi dây chuyền chiết lon và đóng hộp tự động công suất 50.000 lon/giờ
Chuỗi dây chuyền chiết lon và đóng hộp tự động công suất 50.000 lon/giờ

Quá trình đóng lon vào thùng hai mảnh hay một mảnh là khâu cuối cùng được thực hiện trong chuỗi dây chuyền. Có công suất 50.000 lon/giờ, vì vậy, so với dây chuyền cũ, sản lượng chiết suất của dây chuyền mới tăng gấp 4 lần, đáp ứng sản lượng 200 triệu lít/năm.

Hướng tới mục tiêu chuỗi dây chuyền có thể chiết lon, đóng thùng nhiều chủng loại nước giải khát, bia và các sản phẩm nông, thủy sản đóng hộp khác với chất lượng cao, tác giả đã cải tiến, chế tạo mới nhiều công đoạn.

Mỗi công đoạn đều được nghiên cứu, thiết kế riêng nhưng vẫn đảm bảo tính logic, thống nhất và tốc độ vận hành. Cụ thể, nhằm hạn chế lực va đập, cọ xát giữa các vỏ lon trong quá trình vận chuyển, tác giả chế tạo hệ thống băng tải không áp lực, thay thế băng tải nhựa bằng dây cáp bọc nhựa.

Để tăng năng suất, hiệu quả hoạt động máy gắp, tránh tình trạng máy “ngủ đông”, Thạc sỹ Trần Văn Trà đã cải tiến máy sao cho có thể gắp cả lon và chai chứ không chỉ gắp chai vào két nhựa như ban đầu. Bên cạnh đó, ông Trà đã sử dụng các ụ định vị hộp lắp trên xích vận hành liên tục nên kết cấu máy dán thùng phun keo tự động có thiết kế đơn giản, dễ vận hành, giảm tối đa chi phí bảo trì, tiêu hao năng lượng.

Quá trình đóng lon vào thùng hai mảnh hay một mảnh là khâu cuối cùng được thực hiện trong chuỗi dây chuyền
Quá trình đóng lon vào thùng hai mảnh hay một mảnh là khâu cuối cùng được thực hiện trong chuỗi dây chuyền

Không những đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng máy móc thiết bị, sản phẩm, độ hao phí tương đương với hệ thống nhập khẩu mà chuỗi dây chuyền còn tiết kiệm được chi phí đầu tư, vận hành và bảo trì. Cụ thể: chi phí đầu tư thấp, khoảng trên 32 tỷ đồng, giảm gần 3/4 so với chi phí nhập khẩu.

Điện năng tiêu thụ giảm 7,3kW/h chạy máy, không mất chi phí bảo trì 400 triệu đồng/năm. Số lượng nhân công giảm 51 người/3 ca sản xuất nhưng năng suất lao động vẫn tăng. Nội địa hóa các máy móc thiết bị vật tư, hạn chế sự phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Ông Trà cho hay: “Lúc bắt đầu thực hiện công trình này, khó khăn nhất có lẽ là nguồn lực có hạn về mặt tài chính, nếu thành công thì không nói, nhưng thất bại sẽ gây thiệt hại rất nhiều cho công ty mình. Nhưng thuận lợi là lãnh đạo công ty rất tin tưởng giao phó cho mình nghiên cứu công trình này”.

Thạc sỹ Trần Văn Trà kiểm tra chuỗi dây chuyền chiết lon và đóng hộp tự động công suất 50.000 lon/giờ.
Thạc sỹ Trần Văn Trà kiểm tra chuỗi dây chuyền chiết lon và đóng hộp tự động công suất 50.000 lon/giờ.

Chuỗi dây chuyền chiết lon, đóng hộp tự động công suất 50.000 lon/giờ là sản phẩm khoa học vừa đạt giải nhất Giải thưởng Sáng tạo Khoa học - Công nghệ Việt Nam năm 2015, Giải thưởng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) dành cho công trình xuất sắc nhất năm 2015. cũng là sản phẩm đạt giải nhất hội thi Sáng tạo khoa học - công nghệ và Kỹ thuật Thái Bình lần thứ VI (năm 2014 - 2015).

Đức Văn