1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Cách mạng công nghiệp đã thay đổi thế giới, và Việt Nam cũng cần điều đó

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Khoa học công nghệ chính là cơ hội duy nhất với nhiều nơi để bắt kịp thế giới, để giải quyết vấn đề cấp bách của nhân loại, Giáo sư Vũ Hà Văn đề cập.

Cách mạng công nghiệp đã thay đổi thế giới, và Việt Nam cũng cần điều đó - 1

Chương trình giao lưu với các nhà khoa diễn ra tại Trường Đại học VinUni ngày 17/12 (Ảnh: BTC).

Ngày 17/12, Tuần lễ Khoa học - Công nghệ VinFuture 2022 chính thức mở màn bằng chương trình giao lưu với các nhà khoa học uy tín tại Trường Đại học VinUni.

Tại đây, các nhà khoa học là khách mời đã cùng các thành viên của Hội đồng Giải thưởng VinFuture 2022 bàn luận, chia sẻ về những vấn đề nóng trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh về tri thức. Cùng với đó là những câu chuyện truyền cảm hứng về tương lai của khoa học công nghệ (KHCN).

Toàn cầu hóa thúc đẩy KHCN

Theo GS. Vũ Hà Văn - người hiện đang làm việc tại Đại học Yale, Mỹ và là khách mời tại sự kiện, quá trình toàn cầu hóa mà nhân loại đang đối mặt trong 2 - 3 năm qua chính là đại dịch Covid-19. Trước vấn đề chung, thế giới đã cùng nhau đoàn kết giải quyết.

"Đã có các công ty nghiên cứu phát triển 1 loại vắc xin cho mọi loại biến chủng. Tức là toàn cầu hóa đã mang lại lợi ích toàn cầu", GS. Văn nhận định.

Tuy nhiên vẫn còn đó những khó khăn, thách thức, điển hình như việc triển khai, thúc đẩy KHCN tại các nước đang phát triển - nơi kinh phí chưa có nhiều.

Cách mạng công nghiệp đã thay đổi thế giới, và Việt Nam cũng cần điều đó - 2

GS. Vũ Hà Văn (trái) chia sẻ về những quan điểm về thúc đẩy KHCN, hướng tới toàn cầu hóa (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Theo GS. Văn, đây là câu hỏi khiến ông trăn trở trong nhiều năm. Tuy nhiên, ông khẳng định: "KHCN chính là cơ hội duy nhất với nhiều nơi. Cách mạng công nghiệp đã thay đổi thế giới và Việt Nam cần điều như vậy".

"Chúng ta đã bỏ lỡ các lần trước. Nhưng lần này, chúng ta sẵn sàng bước lên con tàu. Hiện tại ý tưởng đã có sẵn, ta chỉ cần đội ngũ để hiện thực hóa ý tưởng này", GS. Văn cho biết.

Chung quan điểm với người đồng cấp, GS. Gérard Albert Mourou, Đại học Bách khoa Paris - Chủ nhân Giải Nobel Vật lý 2018 nhấn mạnh tầm quan trọng và tính cấp bách của toàn cầu hóa, nơi vai trò của tất cả các quốc gia đều đóng góp vào sự nghiệp chung.

"Các nhà khoa học sẽ cùng tập hợp để giải quyết vấn đề chung. Khi có một phát minh, ta cần tập trung trí tuệ toàn cầu", GS. Mourou cho biết.

GS. Jennifer Tour Chayes, Đại học California Berkeley, Mỹ, cũng khẳng định nền tảng kết nối tất cả cộng đồng khoa học toàn cầu là cơ hội để các quốc gia cùng nhau vươn lên.

Lấy thí dụ về những hợp tác dạng này, GS. Chayes cho biết hiện nay, các nhà khoa học đang hợp tác với Đại học VinUni, Vingroup để xây dựng nền tảng nghiên cứu thu thập các chất phát thải trong không khí.

"Để làm được điều này cần rất nhiều nguồn dữ liệu. Tuy nhiên nếu có thể đáp ứng được yêu cầu, thì nền tảng sẽ là giải pháp hữu hiệu để giải quyết các vấn đề cấp bách trên toàn cầu", GS. Chayes nhận định.

Phá vỡ định kiến về giới trong nghiên cứu KHCN

Ở phiên thảo luận thứ 2 với chủ đề "Hành trình của nhà khoa học nữ: Thách thức và thành công", các nhà khoa học đã thảo luận về định kiến giới trong nghiên cứu khoa học - điều được xem là cản trở lớn với các nhà khoa học nữ.

Người xuất hiện tại sự kiện là GS. Nguyễn Thục Quyên, người hiện đang làm việc tại Đại học California, Mỹ. Tại buổi talkshow VinFuture mùa 1, GS. Quyên từng chia sẻ về những khó khăn khi làm một nhà khoa học, khi luôn phải "có 2 công việc: giáo sư/khoa học và nội trợ.

Cách mạng công nghiệp đã thay đổi thế giới, và Việt Nam cũng cần điều đó - 3

GS. Nguyễn Thục Quyên tại buổi giao lưu sáng ngày 17/12 (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

"Điều khó khăn nhất khi làm hai công việc này là tôi luôn thiếu ngủ, thường xuyên vội vã và không có nhiều thời gian cho bạn bè, bố mẹ và anh chị em. Tôi luôn phải cố gắng dung hòa thời gian cho công việc ở trường và ở nhà", GS. Quyên cho biết.

Theo bà, nữ giới làm khoa học lại càng khó khăn hơn. "Tôi đối diện với những câu hỏi như vậy rất nhiều. Là phụ nữ làm khoa học, bạn phải làm việc chăm chỉ và tốt hơn rất nhiều để có được sự công nhận giống như các đồng nghiệp nam", bà khẳng định.

"Tôi thường nói với mọi người rằng tôi yêu thích những gì tôi làm và tôi tập trung vào công việc, cố gắng làm hết khả năng. Tôi để công việc và kết quả nghiên cứu của mình tự nói về bản thân", GS. Quyên nói.

Tại chương trình giao lưu, nhiều vị nữ giáo sư khác cũng chia sẻ câu chuyện dẫn tới thành công của mình, và mỗi người lại gặp những khó khăn, trắc trở riêng.

Điển hình như GS. Chayes từng có thời gian rất khó tìm nơi tiếp nhận, dù đã là một tiến sĩ trong lĩnh vực vật lý từ rất lâu; hay GS. Monica Alonso Cotta gặp nhiều rào cản về ngôn ngữ ở Brazil; GS. Alta Schutte sinh ra và lớn lên ở Nam Phi - nơi gặp nhiều khó khăn bao gồm cả bất bình đẳng giới.

Cách mạng công nghiệp đã thay đổi thế giới, và Việt Nam cũng cần điều đó - 4

Nhiều bạn trẻ đã tới Đại học VinUni với mong muốn lắng nghe kinh nghiệm và chia sẻ từ các vị giáo sư, tiến sĩ khoa học hàng đầu thế giới (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Các vị nữ giáo sư đều chung quan điểm khi gửi lời nhắn nhủ tới các bạn trẻ là phải vượt qua rào cản và nắm bắt cơ hội.

"Hãy là chính mình, đừng là người khác. Thành công có nội hàm khác nhau với mỗi người. Hãy tìm ra điều các bạn thích và yêu lấy nó", GS. Cotta khuyên nhủ.

GS. Alta Schutte khẳng định: "Thực tế là có rất nhiều các nhà khoa học nữ thành công. Điều này cho thấy việc thành công với các nữ khoa học là khả thi".

GS. Albert P. Pisano khích lệ: "Loại bỏ nỗi sợ, đó sẽ là nội lực mạnh mẽ. Các bạn sẽ tạo ra sự khác biệt. Các bạn có tiềm năng. Hãy mạnh mẽ lên và tự tin lên".

"Hãy cứ mơ lớn. Hãy biến những cản trở thành động lực để bạn bứt phá và vươn lên một tầm cao mới", GS. Quyên chia sẻ. "Và đừng quên rằng không có quy định nào yêu cầu bạn phải thành công một mình. Hãy luôn tìm kiếm sự hỗ trợ".

GS. Quyên cũng đề cập tới Giải thưởng VinFuture với hạng mục dành riêng cho các nhà khoa học nữ là một ví dụ. Bà khẳng định sẽ luôn có những tổ chức như thế để thúc đẩy sự bình đẳng trong khoa học và nhấn mạnh Quỹ VinFuture đang tạo ra sự thay đổi tích cực cho thế giới.