Các vệt tối trên sao Hỏa có chứa nước

(Dân trí) - Theo một phân tích dữ liệu từ tàu Mars Odyssey của NASA, các vệt tối được xác định ở hàng chục vị trí trên bề mặt sao Hỏa dường như có chứa nước, mặc dù không nhiều lắm.

Mạng lưới các hẻm núi ở Valles Marineris trên sao Hỏa là nguồn gốc của các dòng chảy xuất hiện theo mùa - Recurring Slope Lineae (RSL), hoặc là các vệt tối có thể chứa nước ở dạng lỏng. Ở trong ảnh trên, RSL là các chấm có màu xanh. (Ảnh: NASA)
Mạng lưới các hẻm núi ở Valles Marineris trên sao Hỏa là nguồn gốc của các dòng chảy xuất hiện theo mùa - Recurring Slope Lineae (RSL), hoặc là các vệt tối có thể chứa nước ở dạng lỏng. Ở trong ảnh trên, RSL là các chấm có màu xanh. (Ảnh: NASA)

Các vệt tối này được gọi là các dòng chảy xuất hiện theo mùa (RSL), và năm ngoái, các nhà khoa học đã đưa ra những bằng chứng cho thấy các vệt này có chứa nước ở dạng lỏng – mặc dù nước đó cực kỳ mặn và được gọi là nước muối. Kết quả mới cho thấy các vệt tối này này không thể chứa lượng nước nhiều hơn so với các sa mạc khô cằn trên Trái đất, điều đó làm cho nước rất khó chảy xuống được các sườn núi này.

Trong một nỗ lực để xác định hàm lượng nước trong RSL, các nhà nghiên cứu đã chuyển sang nghiên cứu các hình ảnh từ Hệ thống Hình ảnh Phát xạ Nhiệt của tàu Odyssey (Mars Odyssey's Thermal Emission Imaging System - THEMIS), và xem xét nhiệt độ bề mặt của hành tinh dựa vào các hình ảnh được chụp từ quỹ đạo này.

Các quan chức của NASA đã phát biểu trong một tuyên bố: “Khi nước tồn tại trong các khe hở giữa các hạt đất hoặc hạt cát, nó sẽ ảnh hưởng lên chỗ đất đó, làm phần đất này nóng lên vào ban ngày và lạnh đi vào ban đêm. Độ sâu của nước bão hòa trong đất cũng ảnh hưởng tới tốc độ thay đổi nhiệt độ trên bề mặt”.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu RSL trên các vách của miệng núi lửa ở hẻm núi Valles Marineris trên sao Hỏa. Họ đã quan sát nhiệt độ bề mặt được đo bởi máy ảnh hồng ngoại của THEMIS trong nhiều năm để tìm ra nơi tập trung nước trong đất.

Các nhà nghiên cứu đã thấy rằng, giới hạn trên của hàm lượng nước là khoảng 3% trọng lượng – tương đương với lượng nước có trong các vật chất nằm trên bề mặt của sa mạc Atacama ở Chi lê và Thung lũng Khô ở Nam Cực – hai nơi khô hạn nhất trên Trái đất.

Các kết quả nghiên cứu năm 2015 đã cho thấy bằng chứng về nước ngậm muối (hay nước muối) trên bề mặt ở các vị trí của những vệt tối. Một trong những tác giả của nghiên cứu này, Christopher Edwards – giảng viên khoa Vật lý và Thiên văn học tại Đại học Northern Arizona – phát biểu: “Những phát hiện của chúng tôi phù hợp với sự hiện diện của muối ngậm nước, bởi vì chỉ có thể có muối ngậm nước chứ không đủ nước để lấp vào khe hở giữa các hạt. Muối có thể lấy nước bằng cách hút hơi nước từ trong không khí, chứ không cần phải có một nguồn nước ngầm.

Các vệt tối đã được xác định là có ở hàng chục khu vực trên bề mặt sao Hỏa. Các vùng tối thường xuất hiện vào mùa xuân và mùa hè của sao Hỏa, và sẽ mờ đi vào mùa thu và mùa đông, sau đó sẽ lặp lại như vậy ở cùng một vị trí trong các năm tiếp theo. Quá trình tạo ra các vệt tối này vẫn còn là một câu đố.

Các mũi tên màu trắng chỉ ra vị trí của các vệt tối ở khu vực Coprates Montes của hẻm núi Valles Marineris, các vệt tối này được xác định bằng các quan sát lặp đi lặp lại. (Ảnh: NASA)
Các mũi tên màu trắng chỉ ra vị trí của các vệt tối ở khu vực Coprates Montes của hẻm núi Valles Marineris, các vệt tối này được xác định bằng các quan sát lặp đi lặp lại. (Ảnh: NASA)

Edward cho biết: “Một số hoạt động liên quan đến nước ở cuối dốc vẫn có thể là một yếu tố kích hoạt nên các vệt tối RSL, nhưng sự tối màu của mặt đất hoàn toàn không phải do có lượng nước lớn – kể cả nước ở dạng lỏng hay đóng băng. Cũng không nên loại trừ cơ chế hoàn toàn khô để giải thích cho sự tồn tại của RSL.

Anh Thư (Tổng hợp)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm