Các tế bào ung thư lây nhiễm là “hiện tượng phổ biến” ở biển

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, trong tự nhiên hiện tượng lây nhiễm bệnh ung thư được cho là hiếm, tuy nhiên các nhà khoa học mới phát hiện ra bệnh này lây nhiễm ở ba loại hải sản vỏ cứng khác nhau. Câu hỏi được đặt ra liệu có mối liên quan nào tới việc lây nhiễm ung thư ở người?

Sò vỏ vàng (Polititapes aureus) thu được ở đảo Arousa, Galicia, Tây Ban Nha
Sò vỏ vàng (Polititapes aureus) thu được ở đảo Arousa, Galicia, Tây Ban Nha

Theo một nghiên cứu mới đây, các tế bào ung thư có thể lây lan rộng giữa các cá thể khác nhau và thậm chí giữa các loài khác nhau sống ở biển, làm tăng nguy cơ ung thư có thể lây nhiễm ở người.

Từ trước đến nay, việc lây nhiễm ung thư từ các động vật khác là cực hiếm, tuy nhiên năm ngoái, các tế bào ung thư từ sán dây đã lây sang một bệnh nhân AIDS có hệ miễn dịch kém. Ở loài chó cũng có hiện tượng lây truyền các khối u qua quá trình giao phối, và số lượng loài thú quỷ Tasmanian cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi khi chúng cắn nhau có thể lây nhiễm một loại ung thư trên mặt.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí Nature cho biết, ung thư lây nhiễm phổ biến ở ba loại động vật có vỏ khác nhau. Hiện chưa có ý kiến nào cho rằng con người sẽ có nguy cơ bị lây nhiễm ung thư, vì hệ miễn dịch của chúng ta sẽ tấn công bất kỳ mô lạ bên ngoài nào xâm nhập vào cơ thể.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy các mẫu ngao, sò và trai thu thập ở ngoài khơi của bờ biển Canada và Tây Ban Nha bị nhiễm bệnh với những khối u có nguồn gốc từ các cá thể bên ngoài.

Bài báo cho biết, các kết quả chỉ ra rằng, tình trạng lây nhiễm các tế bào ung thư là một hiện tượng đang phổ biến trong môi trường biển, với nhiều dạng tế bào độc lập và phát triển ở nhiều loài. Các trường hợp lây nhiễm ung thư xuất hiện ở những bệnh tự phát nhiều hơn, ít nhất ở những loài đã nghiên cứu đến nay.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, các loại ung thư thường lây nhiễm giữa các cá thể cùng loài, tuy nhiên họ cũng đã phát hiện ra có hiện tượng lây chéo giữa các loài. Những bệnh ung thư lây nhiễm kiểu này tạo nên một sự khác biệt giữa các tác nhân gây bệnh và cho thấy khả năng vượt trội của chúng để tạo thành loại hình mới [các dạng di truyền], chúng có thể tăng khả năng tồn tại và lây nhiễm rộng rãi.

Thông thường, các khối u tạo ra từ các mô của chính cơ thể nên chúng đặc biệt nguy hiểm vì hệ miễn dịch không phản ứng kịp thời. Các khối u từ một cơ thể khác sẽ ít nguy hiểm hơn vì hệ miễn dịch hoạt động tốt sẽ tấn công chúng theo cách thông thường. Động vật thân mềm được cho là có hệ miễn dịch sơ khai nên chúng đặc biệt dễ bị lây nhiễm ung thư.

Một trong những nhà nghiên cứu, Giáo sư Stephen Goff của Trung tâm Y tế Đại học Columbia cho biết, những phát hiện đó đã khiến ông có cái nhìn khác về thế giới đại dương.Thật thú vị khi biết rằng đại dương là một biển các vi khuẩn khác nhau và bây giờ các tế bào ung thư có khả năng là nguồn bệnh. Ông đoán sẽ có sự thay đổi về cách nghĩ, những tế bào truyền nhiễm đang trôi nổi ngoài biển và chúng có thể xâm nhập vào vật chủ dễ bị tổn thương”.

Các nhà khoa học hiện đang có kế hoạch nghiên cứu các quá trình truyền nhiễm, cho phép những khối u từ một cá thể lây sang cá thể khác, điều đó có thể làm sáng tỏ về tình trạng lây nhiễm ung thư như thế nào ở cơ thể người.

Giáo sư Goff nhấn mạnh, nghiên cứu không phải là lý do khiến con người phải ngừng tắm biển hoặc ngừng ăn hải sản. Đó chỉ là vấn đề đối với động vật thân mềm. Thực sự chưa có bằng chứng nào cho thấy các khối u ở các động vật thân mềm lây nhiễm sang các loài khác không phải động vật thân mềm. Chúng không có khả năng gây ra các vấn đề đối với con người vì chúng ta có hệ miễn dịch hoạt động tốt.

Trên tạp chí Nature, Tiến sĩ Elizabeth Murchison đã nhận xét rằng, việc phát hiện ung thư có thể xâm nhập vào các loài vật chủ mới là rất quan trọng. Các tế bào ung thư có tiềm năng trở thành những tác nhân lây nhiễm đang sống tự do và câu hỏi được đặt ra liệu có sự liên quan tới việc lây nhiễm ung thư ở người không? Và các tế bào ung thư lây nhiễm đã có từ hàng ngàn năm nay hay là một hiện tượng mới? Nếu là hiện tượng mới thì nguyên nhân gì khiến chúng phát triển?

Tiến sĩ Murchison cho biết: “Có lẽ, giống như ung thư lây truyền ở các loài chó, những khối u này là các dòng tế bào cổ xưa đã phát triển cùng với vật chủ của chúng qua hàng thiên niên kỷ; hoặc có lẽ sự xuất hiện của chúng có liên quan tới những biến cố mới xảy ra: có thể là bị kích thích bởi các tác nhân lây nhiễm, sự thay đổi môi trường, nuôi trồng thủy sản hoặc ô nhiễm môi trường do các hoạt động khác của con người”.

Giáo sư Mel Greaves, giám đốc Trung Tâm Tiến hóa và Ung thư tại Viện Nghiên cứu Ung thư ở Luân đôn nhấn mạnh, kết quả của nghiên cứu là “chẳng có gì mà phải lo” về việc con người bị nhiễm ung thư từ biển. Theo ông, căn bệnh này đã được biết là có thể lây lan ở người từ mẹ sang con trong bụng mẹ, giữa cặp song sinh trong bụng mẹ hoặc sau khi cấy ghép nội tạng. Trong cả ba trường hợp này, sự lây nhiễm có thể xảy ra là vì đã có sẵn đường máu cho các tế bào ung thư và hệ thống miễn dịch bị xâm nhập. Nguy cơ này là cực kỳ nhỏ. Còn về những kết quả nghiên cứu mới ở hải sản có vỏ cứng, công chúng không nên lo ngại vì quá trình lây nhiễm này khác với ở người.

Minh Trang (Theo Independent)