Các nhà thiên văn khẳng định có bầu khí quyển trên hành tinh siêu Trái đất
(Dân trí) - Các nhà thiên văn tại Đại học Keele của Anh mới phát hiện bầu khí quyển quanh GJ 1132b – một ngoại hành tinh siêu Trái đất quay quanh một ngôi sao lùn đỏ ở cách chúng ta 39 năm ánh sáng.
Các nhà nghiên cứu đã tính toán sự tồn tại của bầu khí quyển thông qua việc phân tích những thay đổi rất khó phát hiện trong ánh sáng sao khi nó bay qua phía trước ngôi sao lùn đỏ. Họ đã nghiên cứu dữ liệu thu thập được từ kính thiên văn ESO/MPG 2,2m và thiết bị ảnh GROND của nó ở Trạm quan quan sát Nam Âu.
Nhà nghiên cứu John Southworth đã phát biểu trong một thông điệp báo chí “Mặc dù đây không phải là một phát hiện về sự sống trên hành tinh khác, nhưng nó là một bước quan trọng của việc đi đúng hướng: sự phát hiện bầu khí quyển xung quanh siêu Trái đất GJ 1132b đã đánh dấu lần đầu tiên phát hiện bầu khí quyển xung quanh một hành tinh siêu Trái đất khác ngoài Trái đất của chúng ta”.
Cho đến nay, các nhà khoa học mới chỉ phát hiện trực tiếp bầu khí quyển của các ngoại hành tinh khí khổng lồ. Mặc dù họ vẫn chưa thể xác minh được thành phần hóa học chính xác, nhưng có khả năng, bầu khí quyển này phù hợp với sự sống.
Southworth cho biết, nhóm nghiên cứu đã “mô phỏng một loạt các khả năng có thể về bầu khí quyển của hành tinh này, và thấy rằng bầu khí quyển nhiều nước và/hoặc khí mê-tan có thể giải thích cho những điều quan sát được ở GJ 1132b. Hành tinh này nóng hơn nhiều và lớn hơn một chút so với Trái đất, vì vậy có khả năng đó là một ‘thế giới nước’ với một bầu khí quyển đầy hơi nóng”.
Ngôi sao chủ GJ 1132b – Gliese 1132 là một ngôi sao có khối lượng nhỏ - một lớp sao phổ biến vẫn được biết đến là có các hành tinh nhỏ với kích cỡ như Trái đất. Các ngôi sao có khối lượng nhỏ thường có hoạt động điện từ mạnh, bao gồm cả các tia lửa và tia phóng xạ có thể thiêu đốt làm biến mất bầu khí quyển của các ngoại hành tinh ở đó.
Khám phá này cho thấy, trong các hệ sao lùn đỏ, các hành tinh giống như Trái đất có thể giữ được bầu khí quyển của chính mình. Phát hiện này được nêu chi tiết trên tạp chí thiên văn học Astronomical Journal, cho thấy các điều kiện thích hợp cho sự sống có thể phổ biến hơn những gì chúng ta vẫn nghĩ trước đây.
Anh Thư (Theo Upi)