Các nhà nghiên cứu thăm dò tác động của virus HPV trên hệ thống miễn dịch
(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu từ Đại học Otago ở New Zealand đã thu được những hiểu biết mới về cách một trong những loại virus chính gây bệnh ung thư cổ tư cung né tránh hệ thống miễn dịch của vật chủ.
Những phát hiện được công bố trên tạp chí quốc tế Scientific Reports này cho biết, một loại protein được gọi là E7 - được sản xuất bởi loại virus HPV 16 có nguy cơ cao gây ung thư ở người – có thể đóng vai trò quan trọng trong việc ức chế phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với loại virus này.
Trong khi hầu hết những người nhiễm HPV sẽ làm sạch virus khỏi cơ thể họ trong vòng 2 năm, vẫn có 10 -20% số người bị nhiễm HPV sẽ không thể làm như vậy và họ sẽ có nguy cơ cao bị phát triển thành bệnh ung thư cổ tử cung.
Khoảng 1.550 phụ nữ đã bị chẩn đoán là mắc ung thư cổ tử cung tiền ác tính cấp cao ở New Zealand, và mỗi năm trên toàn cầu có khoản nửa triệu phụ nữ bị chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung. Ở những quốc gia không có chương trình tầm soát ung thư, ung thư cổ tử cung là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở phụ nữ.
Trưởng nhóm nghiên cứu này – phó giáo sư Merilyn Hibma - cho biết, phương thức chính xác mà HPV 16 ức chế hệ miễn dịch của cơ thể vẫn còn là 1 vấn đề gây tranh cãi.
Bà phát biểu “những phát hiện mới cho thấy E7 – nếu không có mặt các protein HPV 16 khác – thì cũng đủ để gây ra 1 loạt các hiệu ứng trên các tế bào chuyên biệt chống virus thường có trong các tế bào T của cơ thể.
Việc tìm ra các cơ chế đằng sau sự thất bại của tế bào T khi tấn công virus có thể mang lại các phương pháp điều trị mới hiệu quả trong việc chống lại nhiễm HPV.
“Hiểu biết này cũng có thể giúp chúng ta hiểu rõ về cách các tế bào ung thư tránh khỏi bị phát hiện bởi hệ thống miễn dịch, giống như E7 được sản xuất bởi tế bào ung thư cổ tử cung. Từ đây, chúng ta có thể xác định được các cách thức mới để ngăn chặn việc hệ thống miễn dịch bị ung thư ức chế. Cách tiếp cận này tương tự như “chất ức chế trạm kiểm soát” của thuốc Keytruda và Opdiva trong điều trị ung thư.
Theo trung tâm nghiên cứu về bệnh ung thư của Anh Quốc, ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ 2 đối với phụ nữ ở độ tuổi dưới 35. Ở Anh, mỗi năm có khoảng 3000 phụ nữ bị chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung. Ước tính rằng, có khoảng 400 người được cứu sống mỗi năm nhờ tiêm vắc-xin HPV từ khi còn là thiếu nữ.
Anh Thư (Tổng hợp)