1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Các nhà khoa học tìm ra bằng chứng cho thấy cây "biết nói"

Phạm Hường

(Dân trí) - Các nhà khoa học Nhật Bản quan sát thấy cây gửi những tin nhắn nhỏ giống như sương mù cho nhau qua không khí. Đây là những bằng chứng hình ảnh đầu tiên của việc cây biết nói.

Các nhà khoa học tìm ra bằng chứng cho thấy cây biết nói - 1
Các nhà khoa học đã biến đổi gen của thực vật để chúng có thể "nói chuyện" với nhau. (Ảnh: Masatsugu Toyota/Saitama University)

Giống như động vật, thực vật có thể cảnh báo cho nhau những mối nguy hiểm đang rình rập. Chúng sử dụng các hóa chất truyền qua không khí, có mùi giống như cỏ mới cắt.

Lần đầu tiên, các nhà khoa học đã ghi lại được cuộc "trò chuyện" thú vị này bằng hình ảnh. Đây là hiện tượng mà các nhà khoa học chụp lại được bằng kính hiển vi đặc biệt có khả năng phát hiện một số hóa chất dưới dạng ánh sáng.

Hình ảnh lá cây phát sáng khi nhận được tín hiệu cảnh báo từ cây khác.

Hình ảnh lá cây phát sáng khi nhận được tín hiệu cảnh báo từ cây khác.

Nhà sinh vật học phân tử Masatsugu Toyota ở Trường đại học Saitama, Nhật Bản, cho biết kỹ thuật hình ảnh này là một công cụ cực kỳ hiện đại để giúp chúng ta nhận ra rằng thực vật rất nhạy cảm.

"Tiếng khóc" lặng lẽ để cảnh báo

Những hóa chất mà thực vật dùng để trao đổi tín hiệu với nhau được gọi là các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi. Các hợp chất này xâm nhập vào cây lành lặn thông qua các lỗ giống như lỗ chân lông trên động vật, gọi là khí khổng, và di chuyển đi khắp lá, truyền thông tin cho cây.

Nhà sinh vật học Toyota giải thích hiện tượng trên giống như cách mà mũi của bạn có thể phát hiện những mùi hương trong không khí giúp nhận biết về môi trường xung quanh.

Chẳng hạn nếu mũi bạn phát hiện ra một mùi hôi thối, thì bạn sẽ phán đoán có thể một con chồn hôi đang lẩn quẩn ở gần. Thì thực vật cũng làm điều tương tự, chúng gửi các hạt sương vào không khí để cảnh báo nguy hiểm cho những cây khác xung quanh.

Những con sâu bướm đang bay đến!

Các nhà khoa học tìm ra bằng chứng cho thấy cây biết nói - 3
Các nhà khoa học cho rằng cây lành lặn có thể sử dụng tín hiệu cảnh báo từ cây bị cắt để phòng vệ. (Ảnh: Masatsugu Toyota/Saitama University)

Để phát hiện được điều này, các nhà khoa học đã cắt một số cây để thực hiện thí nghiệm. Trong một bồn cây, họ đặt những cây có sâu bướm đói, còn bồn cây thứ hai trồng loại cây họ cải Arabidopsis đã biến đổi gen và không có con sâu nào.

Họ để hai bồn cây tiếp xúc với nhau bằng một máy bơm không khí để không khí và các phân tử nhỏ có thể lưu thông giữa hai bồn, nhưng không đủ lớn để sâu bướm có thể bay qua.

Bồn cây không có sâu trở nên phát sáng huỳnh quang khi bắt gặp một số hóa chất nhất định.

Các nhà khoa học tìm ra bằng chứng cho thấy cây biết nói - 4
Các nhà khoa học tách riêng cây lành lặn và cây có sâu nhưng các hóa chất vẫn có thể lưu thông giữa hai bồn cây nhờ một máy bơm không khí. (Ảnh: Masatsugu Toyota/Saitama University).

Nhóm nghiên cứu đã dùng một kính hiển vi và quan sát thấy huỳnh quang dưới dạng ánh sáng xanh neon và họ quay phim lại.

Theo thời gian, khi sâu bướm bắt đầu ăn lá cây trong bồn thứ nhất thì cây ở bồn thứ hai phát sáng màu xanh lục, lan dần từ đầu lá đến gốc cây. Rõ ràng là thông tin đã được truyền đi trong không khí và rất có thể các cây này truyền và nhận tín hiệu để chuẩn bị sẵn sàng trước một cuộc tấn công.

Hãy đối xử tốt với cây

Các nhà khoa học tìm ra bằng chứng cho thấy cây biết nói - 5
Các nhà khoa học cho biết thực vật cũng không khác động vật, chúng biết đau và chịu áp lực. Vì thế, hãy nhẹ nhàng với chúng. (Ảnh: Guido Mieth/Getty).

Nhà sinh vật học Toyota nói rằng hệ thống giao tiếp này tương đồng một cách ngạc nhiên với những gì chúng ta thấy ở động vật, nhưng khác là ở mức độ tế bào.

Thông tin và phương pháp truyền nhận thông tin cũng khác. Nhưng một khi chúng nhận được tín hiệu thì chúng sẽ kích hoạt các sóng tín hiệu calcium, tương tự như cách tế bào động vật giao tiếp với nhau. Và ngay cả tế bào của người cũng dùng tín hiệu calcium để trao đổi thông tin với nhau.

Vì thế nhà khoa học cho rằng chúng ta nên đối xử nhẹ nhàng với cây trồng của mình.

Ông nói: "Thực vật có thể cảm nhận được nhiều loại kích thích trong môi trường. Chúng có thể ngửi, cảm nhận bằng xúc giác và biết giao tiếp với đồng loại. Không có ranh giới giữa động vật và thực vật ở đây. Tôi thực sự muốn tất cả mọi người, nhất là trẻ em, hiểu rằng cây cỏ rất nhạy cảm. Hãy nhẹ nhàng với tất cả các loại cây xung quanh chúng ta."

Theo Insider